Giá vàng giảm nhanh trong sáng nay sau khi tăng mạnh lên trên 3.400 USD/oz trong phiên 6/5. Diễn biến tăng này do thị trường ghi nhận lực mua trở lại từ nhà đầu tư Trung Quốc sau kỳ nghỉ lễ dài và gia tăng lo ngại về chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Trump. Đồng thời, giới đầu tư toàn cầu cũng đang chờ đợi tín hiệu định hướng từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến kết thúc vào ngày thứ Tư.
Theo ghi nhận, thị trường vàng Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - đã chính thức mở cửa trở lại vào đầu tuần này, sau kỳ nghỉ Quốc tế Lao động kéo dài từ ngày 1 đến 5/5. Hoạt động mua vào của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại nước này được đánh giá là động lực chính góp phần đẩy giá vàng tăng mạnh trong phiên.
Thị trường vàng tại châu Á ghi nhận động thái đáng chú ý khi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải - đơn vị chủ chốt trong thiết lập chuẩn giá vàng bằng đồng nhân dân tệ - đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới kho lưu trữ sang Hồng Kông, dưới sự điều hành của Ngân hàng Trung Quốc. Mục tiêu của động thái này là thúc đẩy thanh khoản và kiểm soát giá vàng khu vực châu Á theo tiêu chuẩn nội địa, giữa lúc hoạt động mua vào của giới bán lẻ Trung Quốc đang tăng cao kỷ lục.
“Làn sóng đầu tư vàng mới nhất từ Trung Quốc, cộng với xu hướng các ngân hàng trung ương tìm cách giảm phụ thuộc vào tài sản định giá bằng đồng USD, đang thúc đẩy thị trường vàng bước vào một giai đoạn tăng giá mới”, ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault cho biết.
Diễn biến tỷ giá cũng đang ủng hộ đà tăng của kim loại quý. Đồng USD suy yếu khi nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn trước tiến trình đàm phán thương mại kéo dài của Mỹ.
Vàng thỏi, thường được coi là công cụ phòng hộ trước bất ổn kinh tế và địa chính trị, đã ghi nhận nhiều mức đỉnh lịch sử trong năm nay giữa bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang xem xét áp thuế lên các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu - một động thái nối tiếp sau khi ông công bố mức thuế 100% đối với các bộ phim sản xuất ở nước ngoài chỉ một ngày trước đó.
“Chúng tôi cho rằng mức độ tham gia thị trường của giới đầu cơ Trung Quốc đang tăng rõ rệt. Trong khi đó, ở phương Tây, vàng vẫn đang bị đánh giá thấp và nắm giữ chưa tương xứng với rủi ro thị trường hiện tại. Hai yếu tố này kết hợp sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng”, ông Daniel Ghali - Chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận định và dự đoán trong kịch bản tích cực, giá vàng hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 4.000 USD/oz trong năm nay.
Sự kiện trung tâm của tuần này vẫn là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - kéo dài từ sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư (theo giờ Mỹ). Thị trường gần như đồng thuận rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, tuyên bố của FOMC và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell vẫn sẽ là yếu tố then chốt định hướng thị trường vàng trong ngắn hạn.
Giới phân tích kỳ vọng các nội dung liên quan đến áp lực lạm phát, quan điểm của Fed về tình hình thương mại và các biện pháp thuế quan sẽ được đề cập, từ đó hé lộ manh mối về lộ trình điều hành chính sách của cơ quan này trong các tháng tới.
Trong bối cảnh vàng đã có những phiên tăng bứt phá liên tiếp, một số chuyên gia cho rằng khả năng điều chỉnh kỹ thuật là điều khó tránh khỏi.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nhà đầu tư ngắn hạn - đặc biệt là trên thị trường hợp đồng tương lai - lựa chọn chốt lời ngay sau tuyên bố của Fed vào chiều thứ Tư”, một chuyên gia nhận định và cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến một đợt tăng giá đáng kể trong tuần này và giờ có thể là thời điểm thị trường cần điều chỉnh để thiết lập mặt bằng giá mới”.
Lê Minh