Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.330 đồng, giảm 2 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD và giá bán USD ở mức 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 2-30 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 25.156 VND/USD (thấp hơn 14 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.205 VND/USD (thấp hơn 45 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng niêm yết ở mức 25.546 đồng/USD (thấp hơn 2 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện niêm yết ở mức 108,600, giảm 0,08 điểm so với thời điểm mở cửa.
Thị trường ngoại hối đang chịu tác động mạnh mẽ từ sự phân hóa giữa nền kinh tế Mỹ và các khu vực khác, khiến đồng đô la tiếp tục duy trì vị thế đồng tiền mạnh trên toàn cầu.
Theo đó, đồng USD tăng giá đáng kể trong khi đồng yên Nhật suy yếu xuống gần mức thấp nhất kể từ khi chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối hồi năm ngoái. Động thái này diễn ra trong bối cảnh dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ và làm giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.
Đồng yên Nhật đêm qua đã chạm mức 158,42 yên đổi một USD, đánh dấu mức yếu nhất trong gần 6 tháng, trước khi đóng cửa ở mức 158,15 yên đổi một USD. Hiện đồng tiền này giao dịch ở mức 157,99 yên đổi một USD, tăng 0,04%.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Katsunobu Kato đã lên tiếng cảnh báo về các hoạt động đầu cơ bán khống đồng yên, đặc biệt khi tỷ giá tiệm cận ngưỡng 160 – mức đã kích hoạt hành động can thiệp trước đó.
Bart Wakabayashi, Giám đốc chi nhánh Tokyo của State Street, nhận định: “Đây là mức kháng cự quan trọng cả trên biểu đồ kỹ thuật lẫn về tâm lý thị trường. Các số liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ đang đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, khiến kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất bị trì hoãn sang giữa năm sau hoặc thậm chí lâu hơn. Câu chuyện hiện nay không chỉ dừng ở việc Fed cắt giảm lãi suất, mà còn có thể xoay quanh khả năng tăng lãi suất”.
Trong khi đồng yên suy yếu, đồng euro cũng giảm 0,5% qua đêm, hiện giao dịch ở mức 1,0352 USD, tăng 0,12%.
Bảng Anh tăng nhẹ 0,06% lên mức 1,2485 USD.
Đồng nhân dân tệ trong nước của Trung Quốc cũng chịu áp lực giảm giá, dao động gần mức thấp nhất trong 16 tháng mà nó chạm đến vào đầu tuần, sau khi thị trường nội địa mở cửa đầu tuần.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu về thị trường lao động Mỹ, dự kiến công bố vào thứ Sáu và ngày ông Donald Trump nhậm chức, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai của mình với một loạt các thông báo chính sách và sắc lệnh hành pháp quan trọng.
Các số liệu gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì sức mạnh với số lượng việc làm tăng bất ngờ trong tháng 11, tỷ lệ sa thải thấp, trong khi hoạt động của ngành dịch vụ tăng tốc vào tháng 12 và thước đo giá đầu vào đạt mức cao nhất trong hai năm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng.
Phản ứng trước dữ liệu, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng hơn 8 điểm cơ bản, lên mức cao nhất trong 8 tháng là 4,699%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 7,4 điểm cơ bản, tiệm cận ngưỡng 5%.
Theo dữ liệu từ LSEG, các nhà giao dịch hiện kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay chỉ còn khoảng 37 điểm cơ bản.
Ở những nơi khác, đô la New Zealand giảm 0,05% xuống mức 0,5632 USD, không xa mức thấp nhất trong hai năm là 0,5588 USD, do quốc gia này đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế.
Tương tự, đô la Úc giảm 0,14% xuống mức 0,6221 USD, tiệm cận mức thấp nhất năm 2022 là 0,6170 USD. Dữ liệu lạm phát hàng tháng tại Úc cho thấy CPI tổng thể tăng nhẹ từ mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng 11/2024, nhưng lạm phát cơ bản giảm, củng cố triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA).
P.L