Giá vàng tăng trở lại trong sáng nay sau khi giảm hơn 1% trong phiên 7/5 do chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên và sự lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất.
Cụ thể, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Fed quyết định duy trì lãi suất quỹ liên bang trong khoảng 4,25% - 4,5%, mức đã được giữ nguyên kể từ lần điều chỉnh lãi suất ngắn hạn gần nhất vào tháng 12.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thể hiện quan điểm thận trọng, nhấn mạnh việc duy trì cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát" trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ còn nhiều ẩn số.
Phát biểu trong buổi họp báo chiều thứ Tư, ông Powell nhiều lần nhấn mạnh rằng Fed không chịu bất kỳ áp lực nào khiến họ phải hành động vội vàng và hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ nền kinh tế trước khi quyết định chính sách tiếp theo.
Khi được hỏi liệu có mục tiêu nào trong nhiệm vụ kép - kiểm soát lạm phát và thúc đẩy việc làm - đang cần có đối sách khẩn cấp hơn hay không, ông Powell cho rằng dữ liệu sẽ tự nói lên điều đó.
Chủ tịch Fed cũng lưu ý rằng cả rủi ro lạm phát và rủi ro đối với thị trường việc làm hiện nay đều gia tăng so với đánh giá hồi tháng 3. Tuy nhiên, ông không đưa ra kết luận cụ thể về xu hướng chính sách tiền tệ trong tương lai do sự không chắc chắn liên quan đến thuế quan.
“Chúng tôi chưa thể nói điều gì sẽ xảy ra. Có rất nhiều điều chưa chắc chắn về cách các chính sách thuế quan sẽ được thực thi, cũng như tác động của chúng đến tăng trưởng và thị trường lao động”, ông Powell cho hay.
Ông Powell cũng thừa nhận việc đánh giá tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện tại là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là khi số liệu GDP quý I bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhập khẩu hàng hóa trước thời điểm chính sách thuế quan có hiệu lực.
Dù vậy, ông cho rằng các chỉ số tổng thể vẫn cho thấy một bức tranh tích cực.
“Nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, thị trường lao động mạnh, lạm phát ở mức trên 2% một chút. Đó là một nền kinh tế kiên cường”, ông nhận định và cho biết: “Chính sách hiện tại có mức độ thắt chặt vừa phải và ít thắt chặt hơn 100 điểm cơ bản so với mùa thu năm ngoái. Điều đó cho phép chúng tôi tiếp tục chờ đợi".
Chủ tịch Fed cho rằng không có cái giá đáng kể nào khi tiếp tục giữ lập trường chờ đợi. “Chúng tôi đang ở vị thế thuận lợi để quan sát”, ông nói. “Chúng tôi không cần vội vàng. Nền kinh tế đã phục hồi và đang hoạt động khá tốt”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell
Trước câu hỏi liệu ông còn tin tưởng vào kịch bản “hạ cánh mềm” cho kinh tế Mỹ, ông Powell cho biết triển vọng này có thể bị chi phối bởi diễn biến của các biện pháp thuế quan.
“Nếu các mức thuế mới được áp dụng như hiện nay, thì chúng ta có thể sẽ không tiến gần hơn tới các mục tiêu kinh tế của mình trong ít nhất một năm tới”, ông cảnh báo.
Ông Powell cũng thể hiện thái độ dè chừng khi nói đến khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
“Điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Có những kịch bản mà việc cắt giảm là phù hợp và cũng có kịch bản không nên cắt giảm. Chúng tôi cần thêm thông tin trước khi có thể đưa ra đánh giá chắc chắn”, ông nói.
Về mặt chính trị, ông Powell khẳng định các áp lực từ phía Tổng thống Trump - bao gồm cả những lời kêu gọi giảm lãi suất - hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed.
“Chúng tôi chỉ dựa vào dữ liệu kinh tế, triển vọng và rủi ro để ra quyết định. Chỉ vậy thôi”, ông nhấn mạnh.
Liên quan đến các chỉ số tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp đang xấu đi từ sau thông báo áp thuế ngày 2/4, ông Powell cho rằng đây chưa phải là cơ sở để điều chỉnh chính sách, nhưng Fed vẫn đang theo dõi chặt chẽ.
“Nếu xu hướng đó tiếp diễn và không có yếu tố nào làm dịu đi lo ngại, thì điều đó sẽ dần phản ánh vào dữ liệu kinh tế. Nhưng hiện tại thì chưa”, ông nói.
Kết thúc buổi họp báo, khi được hỏi về khả năng gặp Tổng thống Trump, ông Powell trả lời thẳng thắn rằng mình chưa từng và cũng không có ý định yêu cầu cuộc gặp như vậy.
“Tôi chưa bao giờ đề nghị gặp một Tổng thống nào và sẽ không làm vậy. Nếu một Tổng thống muốn gặp tôi, điều đó tùy thuộc vào họ. Nhưng đến nay điều đó chưa xảy ra”, ông khẳng định.
Liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, kỳ vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục lan tỏa sau thông tin quan trọng rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và nhà đàm phán thương mại cấp cao Jamieson Greer sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Cuộc đối thoại cấp cao này được đánh giá là bước đi ban đầu nhằm tháo gỡ thế bế tắc trong cuộc chiến thương mại đang phủ bóng lên kinh tế toàn cầu.
Bart Melek - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities - cho rằng: “Việc Mỹ và Trung Quốc chính thức khởi động lại đối thoại về thuế quan đã khơi dậy làn sóng lạc quan trên thị trường tài sản rủi ro”.
Vàng - vốn được coi là hàng rào phòng ngừa rủi ro - đã tăng mạnh 29,1% từ đầu năm đến nay, phản ánh tâm lý phòng vệ gia tăng trên toàn cầu giữa bối cảnh bất ổn kéo dài.
Trong báo cáo triển vọng mới nhất, Bank of America nhận định: “Mặc dù dư địa tăng giá trong ngắn hạn có thể bị giới hạn sau giai đoạn tăng nóng vừa qua, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm 2025, với khả năng thiết lập mốc 4.000 USD/oz”.
Dữ liệu chính thức vừa công bố cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối trong tháng 4, đánh dấu tháng mua ròng thứ sáu liên tiếp.
Lê Minh