'Sáng ánh điện' 24/7 ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

'Sáng ánh điện' 24/7 ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
5 giờ trướcBài gốc
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có một khoa “luôn sáng ánh điện”, nằm ở ngay cửa chính Bệnh viện, đó là Khoa Cấp cứu. Nơi đây là những hoạt động không ngừng nghỉ, từng giờ, từng phút của đội ngũ y, bác sỹ, đồng thời chứng kiến những giây phút hạnh phúc khi người bệnh thoát khỏi nguy hiểm, giành lại sự sống.
Chúng tôi đến thăm Khoa Cấp cứu vào một ngày mưa giá rét, các ca cấp cứu được đưa vào đây trong sự vội vã, những ánh mắt người nhà bệnh nhân mong đợi vào bàn tay, khối óc của y, bác sỹ. Bác sỹ, Trưởng khoa Nguyễn Xuân Sơn, cho biết: Khoa Cấp cứu là nơi đón bệnh nhân, cấp cứu và xử lý ban đầu. Khoa tiếp nhận nhiều loại cấp cứu như đột quỵ, tăng huyết áp, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, các loại chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não… Sau khi xác định tình trạng bệnh và xử trí, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm sẽ được chuyển đi các khoa điều trị theo chuyên khoa. Hiện Khoa có 17 cán bộ, y, bác sỹ, trong đó có 4 bác sỹ chuyên khoa I với 17 giường bệnh. Năm 2024, Khoa tiếp nhận, điều trị 2.968 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trên 170%.
Y, bác sỹ Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân mới nhập viện.
Tranh thủ trao đổi, các y, bác sỹ ở đây cho biết, Khoa Cấp cứu là một trong những khoa bận bịu và vất nhất ở bệnh viện. Nơi đây, y, bác sỹ luôn trong tình trạng sẵn sàng với các ca cấp cứu 24/24 giờ hàng ngày và 24/24/ 7 ngày trong tuần. Vì thế, ánh điện sáng cũng thường trực với những ca bệnh nhập viện bất cứ thời gian nào. Ngoài giờ hành chính, tại đây duy trì trực 1 bác sỹ, 3 điều dưỡng trong ca trực đêm của ngày bình thường; bố trí trực 1 bác sỹ, 4 điều dưỡng trong ca trực đêm các ngày thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ. Khi có đông bệnh nhân, Khoa sẽ tăng cường lực lượng bác sỹ, điều dưỡng đáp ứng công việc.
Điều dưỡng trưởng của Khoa, Trần Hùng Cường chia sẻ, ngoài những ca cấp cứu bệnh thông thường, y, bác sỹ nơi đây sẵn sàng tiếp nhận những ca bệnh lạ, hiếm, những ca cấp cứu ít gặp như các ca chấn thương kinh hoàng, có trường hợp cơ thể rách nát hết phần bụng, ngực sau vụ nổ pháo tự chế; hay như trường hợp một người dân bị tai nạn máy bừa, đưa đến cấp cứu trong tình trạng còn nguyên chiếc răng máy bừa găm vào cơ thể. Có trường hợp, bệnh nhân vào viện không còn mạch, đã tử vong ngoại viện, không còn khả năng cấp cứu…
Như trường hợp mới đây, Khoa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 71 tuổi bị phản vệ hiếm gặp, nghi do ăn tôm với biểu hiện đau tức nghẹn vùng cổ, lưỡi sưng phù, che lấp hết khoang miệng, nguy cơ ngạt thở do chèn ép có thể ngừng thở bất cứ lúc nào. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chẩn đoán phản vệ tại chỗ mức độ nguy kịch. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị phản vệ, sau 1 giờ tình trạng bệnh nhân cải thiện, lưỡi giảm sưng phù, khó thở giảm dần và sau 12 giờ điều trị bệnh nhân đã trở về bình thường.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Khoa.
Tại Khoa Cấp cứu, rất nhiều trường hợp đột quỵ được cấp cứu thành công, giảm thiểu tối đa biến chứng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổ 3, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, người nhà một bệnh nhân 82 tuổi bị đột quỵ não xúc động chia sẻ, chồng tôi được cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, được chỉ định can thiệp lấy huyết khối. Với trách nhiệm, tài năng của các y, bác sỹ Khoa Cấp cứu và các khoa khác, chồng tôi giờ đã trở lại ổn định, đây là hạnh phúc của gia đình, bởi nếu không cứu chữa được, hậu quả sẽ rất nặng nề với chồng tôi và cả gia đình.
Bác sỹ Tô Hữu Toại cho biết, dù còn khó khăn, nhưng những năm qua, để đáp ứng yêu cầu cấp cứu bệnh nhân, các y, bác sỹ ở Khoa thường xuyên được tạo điều kiện đi học, cập nhật kiến thức mới. Từ đó, bác sỹ có thể thực hiện tốt các phương pháp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ; phối hợp với các khoa thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối cho bệnh nhân đột quỵ não; đặt stent; nút coil xuất huyết não; nút mạch cầm máu với bệnh nhân bị chấn thương tạng, chảy máu phế quản; nội soi khí, phế quản…
Với tính chất đặc thù của Khoa Cấp cứu, đội ngũ y, bác sỹ ở đây luôn là những người năng động. Điều dưỡng Lục Thị Phương, người gắn bó với Khoa Cấp cứu từ khi thành lập năm 2008 đến nay, đồng thời cũng có chồng công tác xa nhà chia sẻ, công việc luôn vất vả, nhưng làm nhiều rồi cũng quen. Gia đình mỗi cán bộ, nhân viên đều có sự thấu hiểu, cảm thông với công việc và tạo điều kiện để anh chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ làm nhiệm vụ tại Khoa, các y, bác sỹ nơi đây còn sẵn sàng tăng cường cho các khoa khác khi có yêu cầu; tham gia cấp cứu ngoại viện, các vụ thiên tai, hỏa hoạn…
Từng là bệnh nhân được cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và nhiều lần tác nghiệp tại đây, tôi được thấy phía sau cánh cửa thầm lặng của Khoa là những y, bác sỹ luôn vội vã chạy đua với thời gian. Ở đây luôn là hình ảnh y, bác sỹ thức cùng các ca cấp cứu, hết ca này lại đến ca khác, nhịp điệu này cứ tăng dần bởi cuộc sống ngày phát triển mở rộng, ngày càng có nhiều ca cấp cứu bất ngờ, phức tạp và lạ, khó đến với Khoa Cấp cứu.
Bài, ảnh: Huy Ba
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/xa-hoi/202502/sang-anh-dien-247-o-khoa-cap-cuu-benh-vien-da-khoa-tinh-2ce50d9/