Sản phẩm gang tay phục hồi chức năng của Mai Bá Nghĩa, Tăng Hoàng Đức, Lê Đức Anh, sinh viên khoa Cơ điện tử, vừa giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Mai Bá Nghĩa, trưởng nhóm dự án, cho biết ý tưởng về sản phẩm này bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và từ chính trải nghiệm thực tế của Nghĩa - người từng phải trải qua quá trình phục hồi chức năng cánh tay.
11 năm trước, Nghĩa từng gặp tai nạn giao thông. Tai nạn ấy khiến hiện tại, tay trái của nam sinh vẫn chưa đáp ứng được những vận động thường ngày như một người bình thường. Vì lý do đó, Nghĩa thấu hiểu những khó khăn người bệnh gặp phải.
Theo Nghĩa, hiện nay các bệnh nhân rất khó tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng. Báo cáo nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam, với 10.000 người dân chỉ có 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng. Trong khi đó, mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 0,5 -1 người/10.000 dân. Như vậy, nhân lực phục hồi chức năng hiện nay chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.
“Do đó, chúng em mong muốn tạo ra một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ và y học nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng vận động thông qua công nghệ thực tế ảo”, Nghĩa nói.
Từ trái qua phải: Lê Đức Anh, Tăng Hoàng Đức, Mai Bá Nghĩa
Từ ý tưởng ấy, chỉ trong vòng 3 tháng, gang tay phục hồi chức năng ra đời. Sản phẩm bao gồm một gang tay phản hồi xúc giác kết hợp cùng công nghệ thực tế ảo. Với công nghệ cảm biến trên mỗi đầu ngón tay, gang tay có khả năng đo lường chính xác những thông số như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động...
Dữ liệu này sẽ được thu thập và phân tích trong thời gian thực, từ đó giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể theo dõi tiến độ phục hồi và điều chỉnh lộ trình điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, sản phẩm còn kết hợp thực tế ảo, mang đến loạt bài tập sáng tạo từ cầm nắm đồ vật trong không gian đến thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng đời thực. Các bài tập luyện cũng được thiết kế theo hướng cá nhân hóa, giảm thiểu cảm giác nhàm chán, nản chí, nâng cao động lực tập luyện cho bệnh nhân.
Mô phỏng bệnh nhân thực hiện cầm nắm “vật thể ảo” với thiết bị đeo tay và kính thực tế ảo.
So với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế, Bá Nghĩa cho biết sản phẩm này có chi phí thấp hơn khoảng 12%, còn tại Việt Nam chưa có sản phẩm tương tự. Ngoài ra, với sự đa dạng trong không gian ảo, các bài tập có thể được thiết kế linh hoạt, tùy theo người dùng, từ đó tạo động lực tích cực cho người tập luyện.
Nhóm cho biết sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song đã có doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành. Không dừng lại ở cuộc thi, nhóm kỳ vọng sản phẩm sẽ góp phần hướng tới xây dựng một hệ sinh thái phục hồi chức năng toàn diện “do người Việt, vì người Việt”.
“Nếu có một sản phẩm công nghệ cao, giá thành hợp lý và được sản xuất bởi chính người Việt, đó chắc chắn sẽ là một bước đột phá”, nhóm chia sẻ.
Dự kiến, sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ có mức giá khoảng 4 triệu đồng, bao gồm: găng tay, camera, hệ thống phần mềm. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, mở rộng thêm tính năng để sẵn sàng thương mại hóa.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Trải qua nhiều vòng thi đấu cam go, 5 đội thi lọt vào vòng chung kết.
Giải Nhì thuộc về sản phẩm “Máy cắt cuống cà tự động”nhằm tự động hóa dây chuyền sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Thúy Nga