Sáng dần mô hình ngân hàng ở Trung tâm tài chính

Sáng dần mô hình ngân hàng ở Trung tâm tài chính
16 giờ trướcBài gốc
Soi chiếu những quy định chi tiết trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về TTTC tại Việt Nam với thực tế phát triển sôi động của hệ thống ngân hàng có thể thấy, “hình hài” những ngân hàng số thế hệ mới đang dần hiển hiện và sẵn sàng tiên phong bước vào hệ sinh thái các TTTC ở tầm khu vực và quốc tế.
Trong bản mới nhất, Điều 9 của dự thảo nghị quyết này đã quy định 5 nhóm trụ cột pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng tại các TTTC, bao gồm:
Thứ nhất, tự do hóa ngoại hối và thanh toán bằng ngoại tệ: Các thành viên TTTC được tự do sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch nội bộ; không cần chứng minh mục đích chuyển đổi ngoại tệ với dòng vốn chuyển đổi lần hai; sau 5 năm hoạt động, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Thứ hai, nới lỏng điều kiện cấp phép tổ chức tín dụng: Các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đáp ứng Basel III được miễn điều kiện cấp phép và quy định an toàn vốn khi lập công ty con tại TTTC, không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng trong TTTC.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ và ngân hàng số: Với lộ trình áp dụng Basel III từ 1/1/2026, lộ trình triển khai ngân hàng số từ 1/1/2027, cho phép sử dụng hệ thống máy chủ ở nước ngoài cho ngân hàng hoạt động trong TTTC.
Thứ tư, ưu đãi về tài chính, thuế và sở hữu: Các ngân hàng nước ngoài chuyển trụ sở vào TTTC được hưởng ưu đãi đầu tư, không bị giới hạn vốn góp, không cần đăng ký góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Và thứ năm, thử nghiệm Fintech và tài sản mã hóa: Cho phép ngân hàng thử nghiệm dịch vụ mới, đặc biệt liên quan đến blockchain, token, tài sản mã hóa.
Cao ốc Bitexco Financial sẽ trở thành vùng lõi về địa giới TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh
Trên thực tế, tính đến cuối quý I/2025, mức độ đáp ứng về mặt công nghệ, nghiệp vụ chuyên ngành và các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế của hệ thống ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khá tích cực. Nhiều ngân hàng quy mô lớn như: Vietcombank, MB, VPBank Techcombank… đã hoàn thiện các hệ thống core banking hiện đại, tiệm cận hoặc công bố áp dụng các cấu phần của Basel III.
Các ngân hàng như TPBank, VPBank, MB… dù chưa hình thành các ngân hàng thuần số (digital-only bank) nhưng đã phát triển rất mạnh các ứng dụng số tích hợp trong hệ sinh thái đa kênh, ứng dụng AI, eKYC, Cloud với hơn 95% giao dịch không dùng tiền mặt và vận hành mô hình ngân hàng 24/7 - mô hình tương đồng ngân hàng thuần số. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nước ngoài như UOB Việt Nam, Standard Chartered, HSBC Việt Nam đã có kinh nghiệm vận hành ngân hàng công nghệ hiện đại ở nước ngoài, rất phù hợp để thành lập công ty con trong TTTC.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), có thể nói hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã có một TTTC tập trung ở khu vực quận 1 (đường Nguyễn Công Trứ, đường Hàm Nghi…) với đông đảo hội sở, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, công ty bảo hiểm, viện, trường đại học lĩnh vực tài chính - ngân hàng…
Trong kỳ xếp hạng đầu tiên của năm 2025 vừa qua, TS. Vũ cho biết, tổ chức Z/Yen Partners (Vương quốc Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc đã xếp TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 98/119 thành phố TTTC toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm ngoái, đạt 654 điểm cạnh tranh (GFCI), cao hơn các thành phố khác trong khu vực như Manila của Philippines.
“Vì thế theo lộ trình đối với từng lĩnh vực, khả năng xây dựng, hình thành các hệ sinh thái số tại TTTC trong một vài năm tới là rất khả thi”, TS. Vũ nhận định.
Rộng đường cho hệ sinh thái ngân hàng mở
Trong các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng được quy định cụ thể tại Điều 9, dự thảo nghị quyết Quốc hội về TTTC cũng đã đưa vào hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành viên của TTTC, tạo điều kiện phát triển thị trường vốn và tháo gỡ triệt để các nút thắt, vướng mắc về thủ tục đầu tư, chuẩn mực kế toán tài chính cũng như sức cạnh tranh huy động vốn nước ngoài.
Cụ thể, quy định về hoạt động tài chính xanh trong phạm vi TTTC được áp dụng ưu đãi như đối với lĩnh vực thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến TTTC quốc tế của Việt Nam cũng được áp dụng các ưu đãi tương tự.
Việc đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán của TTTC được thực hiện theo thông lệ của các TTTC lớn trên thế giới. Và các chủ thể trong TTTC được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán, tài chính, báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, Điều 18 của Dự thảo cho phép các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư.
Với những quy định đó, lộ trình triển khai ngân hàng số và cho phép sử dụng hệ thống máy tính đặt tại nước ngoài cho hoạt động ngân hàng tại TTTC, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội sẽ mở đường cho việc tích hợp trực tiếp với hạ tầng ngân hàng toàn cầu; tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước xây dựng ở (Open Banking) và xây dựng mô hình tập đoàn tài chính, lấy ngân hàng làm trung tâm và các lĩnh vực khác, như chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư tài chính bao quanh, đồng thời mở rộng theo hướng kết nối xuyên biên giới.
Từ góc độ quản lý ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho rằng, với những thực tiễn hiện nay, khi đi vào vận hành TTTC, hệ thống ngân hàng sẽ trở thành cấu phần quan trọng. Những chính sách pháp lý đặc thù về tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính, đáp ứng nhu cầu giao dịch vốn; thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho tăng trưởng và phát triển.
Việc khai thác vốn và sử dụng vốn ở cả trong và ngoài nước hiệu quả, theo ông Lệnh, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường tiền tệ ngân hàng, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái các nhóm ngành kinh tế khác, như: vận tải và logistics, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại bán lẻ, bất động sản và du lịch… “Khi các thị trường, các ngành dịch vụ lớn phát triển mạnh sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để TTTC phát triển, vận hành và thu hút các nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước”, ông Lệnh nhận định.
Ngân hàng 1 trong 3 cấu phần quan trọng
Theo Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang xem xét phương án xây dựng TTTC quốc tế dựa trên khu phố tài chính ở Trung tâm hiện hữu thuộc Quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. TTTC quốc tế khi hình thành sẽ bao gồm 3 cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.
TP. Hồ Chí Minh chọn phát triển đột phá trong cấu phần thứ nhất, bao gồm: dịch vụ Fintech và ngân hàng số (digital banking); kết nối Fintech với các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác; phát triển mạnh các sản phẩm tài chính xanh để hỗ trợ địa phương chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Mục tiêu định hướng, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), Fintech, dữ liệu lớn… tập trung các tổ chức và thị trường tài chính theo hướng cụm ngành (industrial cluster) để khai thác tác động cộng hưởng, tương hỗ của dịch vụ tài chính khác nhau và dịch vụ hỗ trợ.
Thạch Bình
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/sang-dan-mo-hinh-ngan-hang-o-trung-tam-tai-chinh-163684.html