Sáng kiến không gian sáng tạo kết nối người khuyết tật và cộng đồng

Sáng kiến không gian sáng tạo kết nối người khuyết tật và cộng đồng
2 giờ trướcBài gốc
Các em nhỏ trải nghiệm ngôn ngữ ký hiệu của người khuyết tật tại sự kiện. Ảnh: H.L
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, ngày 16-17/11 tại Nhà Bát Giác thuộc vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức một sự kiện đặc biệt mang tên "Link Đình". Đây là không gian sáng tạo độc đáo và thân thiện dành cho người khuyết tật. Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi 5 đơn vị hỗ trợ người yếu thế gồm: doanh nghiệp xã hội Tòhe, Trung tâm Khiếm thị Bàn tay Khéo léo, Trung tâm Đào tạo Ngôn ngữ Ký hiệu Hà Nội – Sign Language Training Center, Làng Ký hiệu và Doanh nghiệp xã hội "Chạm vào Xanh".
Tại sự kiện “Link Đình” đã truyền tải thông điệp sâu sắc về sự tôn trọng và hòa nhập, khẳng định giá trị của sự khác biệt trong cộng đồng. Sự kiện tạo cơ hội để cả cộng đồng – người khuyết tật và người không khuyết tật – cùng nhau chia sẻ, giao lưu và trải nghiệm những sáng tạo độc đáo, qua đó góp phần phá vỡ các rào cản, xóa bỏ định kiến xã hội về người khuyết tật.
Tòhe, một trong những đơn vị tổ chức, đã thiết kế "Link Đình" như một không gian kết nối đặc biệt giữa người khuyết tật và cộng đồng.
Lấy cảm hứng từ kiến trúc và văn hóa truyền thống Việt Nam, “Link Đình” được thiết kế giống như một sân đình, hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam. Đặc biệt, không gian sáng tạo được thiết kế với các yếu tố đa giác quan, từ âm thanh, hình ảnh cho đến xúc giác mang đến những trải nghiệm tối ưu người khuyết tật và tất cả công chúng.
Trong không gian sáng tạo sôi nổi các hoạt động như: trò chuyện, trình diễn nghệ thuật và các trò chơi sáng tạo giúp người tham gia cảm nhận sâu sắc về giá trị cuộc sống, tinh thần hòa nhập cộng đồng.
Hàng trăm người dân Thủ đô đủ mọi độ tuổi hào hứng tham gia các trải nghiệm đặc biệt như học cách sử dụng chữ Braille dành cho người khiếm thị, học ngôn ngữ ký hiệu của người điếc, bịt mắt sử dụng gậy dò đường vượt chướng ngại vật, vẽ tranh bằng tay không thuận, ngồi xe lăn ném bóng và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật của các em học sinh khiếm thị.
Một du khách tham gia hoạt động trải nghiệm bịt mắt sử dụng gậy dò đường để vượt chướng ngại vật của người khiếm thị. Ảnh: H.L
Em Nguyễn Lê Kim Ngân, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Em đã từng quen biết một số người bạn khiếm thị, nhưng hôm nay khi tham gia trải nghiệm bịt mắt sử dụng gậy dò đường để vượt chướng ngại vật, em mới phần nào hiểu được nỗ lực của các bạn khiếm thị trong việc vượt qua những khó khăn trong cuộc sống".
Em Nguyễn Quốc Khanh, học sinh lớp 4 tại Hà Nội cũng bày tỏ sự hào hứng khi tham gia trải nghiệm học chữ Braille và cách người khiếm thị sử dụng công nghệ. Em Nguyễn Quốc Khanh cho biết: “Nếu không được bố mẹ đưa đến tham dự sự kiện này, cháu sẽ không thể biết rằng nhờ vào chữ nổi Braille và sự hỗ trợ từ công nghệ, người khiếm thị ngày nay có thể học tập và làm việc như những người không khuyết tật".
Thông qua việc kết nối người khuyết tật với cộng đồng, sự kiện đã mở ra một cơ hội để xã hội hiểu rõ hơn về những thách thức mà người khuyết tật gặp phải, cũng như những giá trị và tiềm năng mà họ có thể đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của người khuyết tật trong xã hội hiện đại. Mỗi cá nhân đều có quyền và khả năng đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, và người khuyết tật không phải là ngoại lệ.
Mộc Miên - Hoàng Lý
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sang-kien-khong-gian-sang-tao-ket-noi-nguoi-khuyet-tat-va-cong-dong-401347.html