Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi mạnh mẽ thông điệp đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, Đại hội XIV được xác định là thời điểm để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình. Đây là kỷ nguyên của sự phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bước vào kỷ nguyên mới, cùng với những thời cơ, thuận lợi thì nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra để nước ta thực sự chuyển mình trong kỷ nguyên mới là phải tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó, kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín là một giải pháp quan trọng để giải quyết yêu cầu nêu trên.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay nước ta đang sử dụng 70% ngân sách để nuôi bộ máy. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, tầng nấc trung gian là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; gây lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân; làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Trong khi đó, công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Bởi vậy, việc sàng lọc cán bộ là điều không thể không thực hiện.
Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ ở không ít cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh, ý thức phục vụ người dân chưa cao. Cùng với đó, nhiều cán bộ làm việc nhưng chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động thấp; có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm. Cá biệt, có những cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Quy định về tinh giản cán bộ đã có. Tuy nhiên, áp dụng trên thực tiễn không phải ở đâu cũng hiệu quả. Có nơi dù có cán bộ phải tinh giản nhưng không thực hiện tinh giản; có nơi thực hiện tinh giản mới chỉ tập trung giảm số lượng mà chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các hạn chế, bất cập trong công tác đánh giá cán bộ. Tình trạng “cào bằng”, nể nang, đánh giá cán bộ dựa theo cảm tính, không căn cứ vào đúng năng lực cán bộ, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn đến việc thui chột ý chí phấn đấu của cán bộ. Bởi lẽ, người làm nhiều nhưng kết quả xếp loại cán bộ có khi cũng chỉ ngang như những người làm ít; người làm các công việc phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm cao nhưng cũng chỉ được đánh giá ngang như những người làm các công việc giản đơn, trách nhiệm thấp. Đó là chưa kể, có những người làm nhiều nhưng nếu không may để xảy ra sai sót thì rất dễ bị kiểm điểm, kỷ luật, hạ xếp loại cán bộ… Lúc này, người làm nhiều, làm tốt có khi bị xếp loại cán bộ cuối năm còn không bằng những người “ngồi chơi, xơi nước”. Không đâu xa, trong chính cơ quan nơi tôi từng công tác vẫn tồn tại những cán bộ có cũng được mà loại bỏ thì cũng chẳng sao. Họ làm việc một cách vô thưởng, vô phạt, vô trách nhiệm. Thậm chí, nhiều khi người này còn chây ỳ, ỷ lại, bỏ bê công việc dẫn đến lãnh đạo phải giao cho người khác làm thay, làm hộ.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” để tiếp tục bàn về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một trong 3 công tác trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra là “gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh”. Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức rõ tầm quan trọng và rất quyết tâm trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cả trên phương diện lý luận lẫn yêu cầu thực tiễn đều đòi hỏi chúng ta phải tập trung tổ chức bộ máy theo hướng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. Trong đó, định hướng được đặt ra là thực hiện công tác cán bộ trên cơ sở việc tìm người, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể, đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cùng với trọng dụng người có năng lực nổi trội phải thực hiện đồng thời việc sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Trung ương đề ra, từng cấp ủy, tổ chức đảng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trong hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, sàng lọc cán bộ. Việc sàng lọc, tinh giản phải căn cứ trên cơ sở đánh giá xếp loại cán bộ một cách khách quan, công tâm, công bằng, dân chủ; sàng lọc cán bộ phải vì mục tiêu phát triển chung, làm tiền đề cho việc đổi mới căn bản hệ thống hành chính nhà nước.
Anh Tú