Theo kế hoạch, hoạt động khám sàng lọc này được thực hiện từ ngày 11-11 đến ngày 3-12 tại tất cả các xã, phường của TP. Mỹ Tho với khoảng 7.000 người được mời tham gia.
Nhân viên chuyên môn thực hiện thủ thuật xét nghiệm lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc bệnh nhân lao.
Đối tượng sàng lọc gồm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là bệnh nhân lao phổi được phát hiện trong vòng 2 năm tính đến thời điểm triển khai chiến dịch và người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi. Nhóm thứ hai là người có triệu chứng nghi lao như bị ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm. Nhóm thứ ba là người có nguy cơ mắc bệnh như người từ 60 tuổi trở lên; người có bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; người suy dinh dưỡng; người mắc các bệnh như bụi phổi, tim mạch, tiểu đường, HIV, suy thận mãn, điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài; người sử dụng rượu, bia thường xuyên và người hút thuốc lá, thuốc lào hằng ngày.
Tất cả người dân tham gia tầm soát được chụp X-quang phổi bằng xe X-quang lưu động.
Trong 2 ngày, 11 và 12-11, có khoảng 700 người dân tại phường 2, TP. Mỹ Tho đã được tầm soát bệnh.
Để sàng lọc, trạm y tế lập danh sách và mời người dân thuộc 3 nhóm đối tượng trên và được các bác sĩ, nhân viên chuyên môn của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang trực tiếp khám và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Trong đó, tất cả người dân tham gia tầm soát đều được chụp X-quang phổi. Người có kết quả X-quang phổi bất thường nghi lao và người có kết quả X-quang bình thường nhưng có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần sẽ được chỉ định xét nghiệm Xpert để kiểm tra xác định bệnh lao; người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ được xét nghiệm lao tiềm ẩn.
Sau khi tầm soát lao miễn phí, người dân được nhận hỗ trợ chi phí đi lại.
Người dân thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh lao được tầm soát bệnh miễn phí.
Người dân tham gia tầm soát bệnh lao được miễn phí hoàn toàn, ngoài ra mỗi người còn được hỗ trợ 20.000 đồng chi phí đến nơi tầm soát.
Nói về mục đích của việc tầm soát diện rộng đợt này, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cho biết, Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm có gánh nặng bệnh lao cao của cả nước, có số phát hiện bệnh lao đứng thứ 5 trong số 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, TP. Mỹ Tho là đơn vị có tình hình dịch tễ lao cao nhất trong tỉnh và số bệnh nhân lao thu dung điều trị liên tục tăng. Cụ thể, số bệnh nhân lao được phát hiện thu dung điều trị năm 2022 là 277 người, tương đương 130 người trong 100.000 dân; năm 2023 tăng lên 363 người, tương đương 171 người trong 100.000 dân; trong đó số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc phát hiện thu dung cũng tăng.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã được Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, Tổ chức FHI 360 hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại TP. Mỹ Tho nhằm góp phần vào mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
THỦY HÀ