Làm sao để bộ máy không có người ''thừa''

Làm sao để bộ máy không có người ''thừa''
3 giờ trướcBài gốc
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi cục thuế thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa
Lúc này, nhân dân mong mỏi việc điều chỉnh bộ máy đó phải thực sự "gọn" và "tinh". Nhất là tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý đây là "cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
Vì sao nhân dân lại quan tâm việc "sàng lọc" đội ngũ cán bộ?
Trước tiên cần nhắc rằng, với Đảng ta thì xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong xây dựng đảng và chính quyền nhà nước. Bởi cán bộ là cái gốc, sau đường lối đúng thì cán bộ giữ vai trò then chốt để triển khai. Đảng, Nhà nước có chủ trương đúng nhưng không có cán bộ tốt thì đúng mấy cũng vô ích. Một người cán bộ tốt có thể mang đến bao nhiêu điều tốt cho Đảng.
Song, một người cán bộ không tốt có thể gây tổn hại rất lớn cho Đảng. Còn người cán bộ làm việc buông xuôi, cầm chừng, bê trễ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp, không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Do đó, Người quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, đánh giá, sắp xếp và sử dụng cán bộ, giao nhiệm vụ cho họ.
Thực tiễn quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng cũng cho thấy, nhờ có được những cán bộ ưu tú một lòng vì Đảng, vì dân mà đất nước ta đã đi từ thắng lợi này tới kỳ tích khác. Và sau công cuộc Đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thì lúc này đây, Đảng ta đang hướng tới mục tiêu lớn lao là đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thời gian qua, Đảng đã kiên quyết xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp này đem lại niềm tin, song cũng là lời cảnh báo những nguy cơ khôn lường. Trong bộ máy vẫn còn có những cán bộ làm việc buông xuôi, cầm chừng, bê trễ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp, không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Như cách đây không lâu, tại phiên thảo luận của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đã cho rằng, chúng ta cần phải đưa ra khỏi bộ máy một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Nên lúc này đây, theo chủ trương của Đảng ta, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế và tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, đảm bảo đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tinh giản không đồng nghĩa với cắt giảm cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm thiểu công việc kém hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt và những con người xứng đáng, phù hợp. Để đạt được mục tiêu này, dự kiến có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Khi thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, dự kiến số nhân sự trong hệ thống hành chính giảm tối thiểu khoảng 20%.
Cũng cần nhìn nhận một thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc với những người làm được việc càng lớn. Còn nếu để những người "thừa" có cơ hội "lọt" vào bộ máy sẽ ảnh hưởng tới sự hoạt động "tinh" và "gọn", hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực và sự gần dân, sát dân, hướng về dân, giúp đỡ nhân dân.
Do đó, quan tâm việc Đảng ta "sàng lọc" đội ngũ cán bộ, nhân dân lại càng đồng tình, ủng hộ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua. Đó là phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Đặc biệt, như Tổng Bí thư đã lưu ý là phải làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập. Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới.
Và tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ "đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng" để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước.
Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân!.
(Theo Báo Tin tức)
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/239/349438/lam-sao-de-bo-may-khong-co-nguoi-thua.aspx