Theo ban tổ chức giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024, sau gần 4 tháng phát động, đã có hơn 800 tác phẩm đăng ký dự thi. Loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất; sau đó lần lượt là báo in, truyền hình và phát thanh.
Sau nhiều buổi làm việc nghiêm túc, công tâm, ban giám khảo đã lựa chọn 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó, tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đạt giải.
Giải đặc biệt của năm nay thuộc về tác phẩm: Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ, của nhóm tác giả Lê Thị Thu, Lê Thị Hằng, Trần Hữu Hưng, Nguyễn Văn Cường - Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam;
4 giải Nhất thuộc về 4 tác phẩm: “Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm” (loại hình Báo in) của nhóm tác giả Ngô Sỹ Điền, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Quốc Ngữ, Hà Ánh Ngọc - Báo Giáo dục và Thời đại; “Gìn giữ ngôn ngữ dân tộc và đưa tiếng Việt hội nhập với thế giới” (loại hình Báo Điện tử) của nhóm tác giả Kiều Phương Giang, Trần Thị Tuyết Lan, Nguyễn Hoài Hà, Hoàng Thị Phương Thanh - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; “Văn hóa ứng xử học đường” (loại hình Phát thanh) của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; “Hạt mầm tri thức” (loại hình Truyền hình) của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long....
Các nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm được trao giải gồm: Thầy giáo Đỗ Đức Thuần, thầy giáo Hoàng Đức Hòa, nhân vật trong tác phẩm "Lửa" từ tâm!, của báo Quảng Bình; nhà giáo Đỗ Thị Hồi, nhân vật trong tác phẩm “Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi - 32 năm tận tâm cống hiến nơi vùng khó” của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.
Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục, bám sát các vấn đề thời sự của ngành giáo dục.
Chất lượng các tác phẩm đồng đều, khoảng cách giữa báo chí trung ương và địa phương được thu hẹp. Nhiều tác phẩm thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Việc hơn 800 tác phẩm đăng ký dự thi đã thể hiện sự thu hút của giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với ngành giáo dục. Các tác phẩm không chỉ phản ánh sâu sắc những vấn đề của ngành giáo dục từ thiếu sách giáo khoa, đến những học sinh vượt khó, tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề..., mà còn đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp...
Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức giải, năm nay có khoảng 30% tác phẩm dự thi có tính phản biện. Đây là những tác phẩm kỹ, sâu, chất lượng tốt, tính xây dựng cao.
Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như: Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Năm 2024 là năm thứ 7 Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà. Đây cũng là dịp để tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp "trồng người".
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2025", và mong rằng Giải sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo; từ đó có thêm nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục.
Bình Nguyên