Sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an 'đi B': Vững vàng điểm tựa lòng dân (Kỳ cuối)

Sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an 'đi B': Vững vàng điểm tựa lòng dân (Kỳ cuối)
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp nối thế trận lòng dân
Tìm lại những tư liệu liên quan đến Trung tá, Anh hùng LLVTND Trần Phong (tức Trần Đình Lưỡng, nguyên Phó ban An ninh tỉnh Thừa Thiên Huế; nguyên Phó trưởng Công an TP Huế - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là Công an TP Huế) – người con ưu tú của đất Cố đô qua đời vào ngày 19/4/2025 vừa qua, chúng tôi thật sự ấn tượng trước tấm ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc mà trong thời gian “nằm vùng”, ông (khi đó là trinh sát an ninh vũ trang) được người dân Cố đô Huế bao bọc, che giấu trong thùng cót đựng thóc.
Lực lượng Công an xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, trò chuyện với ông Hiên Giăng, người có uy tín tại địa phương. Ảnh Ngọc Thi.
Theo lãnh đạo Công an TP Huế, sau Hiệp định Geneva, ôngTrần Phong tập kết ra miền Bắc và tham gia lực lượng Công an vũ trang. Cuối 1966, ông được Bộ Công an tăng cường cho An ninh TP Huế và sau đó, ông cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh địch, giành được chiến công vang dội. Trong chiến dịch giải phóng Huế, đơn vị của ông đã anh dũng đột nhập chiếm lĩnh nhiều cơ quan quan trọng của địch và bảo vệ cho đến ngày lá cờ giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu vào 26/3/1975. Cũng như bao đồng đội là cán bộ Công an tham gia chi viện vào chiến trường miền Nam, một lần ông bộc bạch, nếu không có sự giúp đỡ, đùm bọc, chở che của người dân, người chiến sĩ cách mạng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ do cấp trên giao cho.
Cũng từng là cán bộ Công an chi viện vào chiến trường miền Nam, cố Đại tá Nguyễn Xuân Thảo, nguyên Bí thư Đảng ủy Công an Hà Nội có lần kể, sau hành trình hơn 4 tháng, vượt chặng đường 2.600km, ngày 17/5/1968, ông cùng đồng đội (36 người đều là cán bộ cấp chỉ huy thuộc Công an tỉnh Hà Tây) đã có mặt ở Trung ương Cục miền Nam sớm hơn kế hoạch 2 ngày. Ông được phân công làm Đội trưởng (thuộc Tiểu ban bảo vệ chính trị của Trung ương Cục miền Nam), có nhiệm vụ trinh sát bảo vệ từ xa, nắm tình hình ngoại vi, không để gián điệp xâm nhập vào căn cứ.
Nhớ lại những ngày đóng quân ở Lò Gò (thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Châu Thành, Tây Ninh), ông kể: “Hằng ngày, chúng tôi xuống cơ sở, tiếp xúc gần gũi với nhân dân, dựa vào cán bộ cơ sở, dựa vào nhân dân nắm tình hình, vận dụng đường lối, chính sách sát hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam, như lời của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã căn dặn trước khi vào Nam. Chúng tôi đã dần quen với tác phong sinh hoạt của người dân Nam Bộ và được bà con yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ rất nhiều”.
Thực tế “dựa vào dân” được các thế hệ Công an, trong đó có hàng chục nghìn cán bộ Công an được tăng cường về cơ sở những năm qua kế thừa và xem đó là kinh nghiệm quý báu. Hôm về vùng biên giới Đông Sơn (huyện A Lưới, Huế), nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, PV Báo CAND được Đại úy Nguyễn Viết Hùng, một điển hình “Dân vận khéo” của TP Huế, kể những ngày đầu về Đông Sơn tuy có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng không vì thế làm anh chùn bước.
Khắc ghi Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, anh học tiếng đồng bào, nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống của người dân - cùng ăn, cùng ở, cùng lội suối, leo núi, phụ hồ, dọn vệ sinh, trồng cây,... Anh còn cùng đồng đội giúp đỡ nhiều trường hợp có gia cảnh khó khăn. Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày khăn gói tình nguyện hành quân vào đây, chàng trai gốc Thủ đô Hà Nội giờ như người con ruột rà của đồng bào.
Thực tế trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “CANDlà từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, lực lượng CAND không ngừng gắn bó máu thịt với nhân dân; xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ và luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện chủ trương lớn của Bộ Công an, những chuyến hành quân của nhiều cán bộ trẻ tăng cường về vùng biên giới phía Bắc, các tỉnh miền Trung, miền Nam, cách xa Thủ đô Hà Nội hàng trăm, hàng nghìn cây số không nằm ngoài mục tiêu để gần dân, sát dân, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Gần đây nhất, từ ngày đầu tháng 3/2025, việc kết thúc hoạt động đối với 694 Công an cấp huyện và khoảng 5.916 Đội thuộc Công an cấp huyện là một bước quan trọng để bộ máy Công an cấp tỉnh tiếp tục được kiện toàn, đảm bảo tinh - gọn - mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Công an địa phương giảm từ 3 cấp xuống còn 2 cấp. Nhiều chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp huyện trước đây được điều chỉnh, giao cho Công an cấp xã, trong đó có việc tiếp nhận, giải quyết thêm một số thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ngay từ cơ sở.
Công an tỉnh Quảng Trị hưởng ứng chủ trương Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát hỗ trợ người dân trên địa bàn.
Mãi là thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc
Cận kề Ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV Báo CAND tìm đến vị tướng từng bí mật tham gia cách mạng từ khi mới lên 10 tuổi, gắn bó sâu đậm với vùng đất Quảng Đà - Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND.
Qua bao chặng đường lịch sử của đất nước, phẩm chất của người chiến sĩ CAND năm xưa và thời bình hôm nay có những điểm nổi bật, tương đồng, ngời sáng nào để thế hệ CAND mai sau tiếp tục gìn giữ, kế thừa và phát huy? Khi được đặt vấn đề như thế, bên ly trà nóng, Trung tướng Lê Ngọc Nam bộc bạch, ông đồng tình với chúng tôi rằng, phẩm chất tốt đẹp, ngời sáng, cốt lõi hàng đầu của người chiến sỹ CAND mà ai cũng có thể nhận ra đó chính là tinh thần tuyệt đối trung thành với Đảng. “Xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng, trong mọi hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, người chiến sĩ CAND luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên, lên trước hết”, Trung tướng Lê Ngọc Nam chia sẻ.
Cũng như anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ CAND luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh, đấy là tính kỷ luật, cũng là điều tối quan trọng. Bất cứ thời kỳ nào, người chiến sĩ CAND cũng luôn tuân thủ sự điều động, phân công từ cấp trên.
“Luôn vì nước, vì dân”, đấy cũng lý tưởng phấn đấu của mỗi chiến sĩ CAND. Để thực hiện sứ mệnh cao nhất - bảo vệ Tổ quốc và phục vụ nhân dân, người chiến sĩ CAND sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công; luôn sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. “Tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì thế trở thành một trong những phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ CAND cách mạng”, Trung tướng Lê Ngọc Nam bày tỏ thêm.
Như chuyến hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam của hơn 1 vạn cán bộ Công an từ miền Bắc không phải chỉ là một thực tiễn của việc chấp hành tuyệt đối sự điều động của Đảng, của cấp trên, mà điều quý giá hơn chính là tinh thần: sẵn sàng vào những chiến trường ác liệt nhất ở miền Nam; sẵn sàng đối mặt với kẻ thù có vũ khí hiện đại, với những âm mưu thâm độc; sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi lịch sử của ngày 30/4/1975. Chính tinh thần sẵn sàng "đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, làm bất cứ việc gì Đảng cần" được lực lượng CAND thể hiện rõ nét đã góp phần quan trọng làm nên thành quả cách mạng Việt Nam.
Từ ngày Bắc - Nam sum họp một nhà đến nay, phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ CAND tiếp tục được phát huy. Gần đây, chấp hành sự phân công của Đảng và lãnh đạo Bộ Công an, hàng vạn CBCS đã có cuộc hành quân tiến nhanh, tiến mạnh về cơ sở, kịp thời có mặt tại những địa bàn phức tạp, điểm nóng về ANTT. Không một phút giây ngơi nghỉ, người chiến sĩ CAND luôn đối mặt với các loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm, với những thách thức mới như tội phạm công nghệ cao, khủng bố, ma túy xuyên quốc gia. Tinh thần làm việc tận tụy, vì nhân dân phục vụ được thể hiện rõ nét, giải quyết nhiều vấn đề và giữ gìn cuộc sống bình yên của người dân.
Điều đặc biệt ấn tượng khi chỉ từ năm 2018 đến nay, toàn lực lượng CAND đã có đến 3 lần quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Quá trình tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhận thấy việc tổ chức bộ máy theo 4 cấp "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp mô hình Công an 4 cấp thành 3 cấp, đối với Công an địa phương điều chỉnh phương châm "tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" sang "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở"; Công an cấp tỉnh giải quyết toàn diện mọi tình hình ANTT tại địa phương; Công an cấp xã được tăng cường xây dựng vững mạnh, bám sát địa bàn, giải quyết các vấn đề phát sinh về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở.
Mỗi lần sắp xếp, điều chỉnh lại mô hình, phương thức hoạt động là luôn có sự thay đổi, biến động nhất định. Trong lần thứ ba tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Công an tích cực phối hợp với cơ quan, ban ngành, địa phương cùng thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy (sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện).
Thực hiện chủ trương chính quyền địa phương 2 cấp theo đơn vị hành chính tỉnh và xã mới tới đây, CBCS đang công tác tại Công an 52 tỉnh, thành (thuộc diện sắp xếp) và hơn 10.000 xã của cả nước hiện nay mặc nhiên sẽ tiếp tục được sắp xếp, điều chỉnh. Đây là bước ngoặt rất đáng ghi nhớ khi hàng vạn CBCS CAND bước vào một chuyến hành quân đặc biệt với tinh thần rất khẩn trương và chưa từng có tiền lệ - “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
“Thật phấn khởi khi trên bước hành quân qua chặng đường phát triển mới, vẻ vang của đất nước, lực lượng CAND tiếp tục thống nhất một ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất và đã trở thành lực lượng gương mẫu, đi đầu. Điều đó đã để lại bài học thực tiễn quý báu, có giá trị tham chiếu cao và rộng hơn cho quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị cả nước. Ra đời, trưởng thành từ trong gian khó và sự khốc liệt của đạn bom, khói lửa, hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân hôm nay tiếp tục ngời sáng”, Trung tướng Lê Ngọc Nam bộc bạch và đặt kỳ vọng, trước những nỗ lực, cố gắng, đặc biệt là tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, lực lượng CAND mãi là thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên dãy đất hình chữ S này.
Thái Bình
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/sang-ngoi-hinh-anh-nguoi-chien-si-cong-an-di-b-vung-vang-diem-tua-long-dan-ky-cuoi--i766581/