Sáng rõ thêm tầm vóc chiến thắng và bài học kinh nghiệm

Sáng rõ thêm tầm vóc chiến thắng và bài học kinh nghiệm
17 giờ trướcBài gốc
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết và các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết trò chuyện, hỏi thăm các đại biểu tham dự hội thảo.
Vẹn nguyên ký ức hào hùng
Thật may mắn và hạnh phúc, sau 60 năm Chiến thắng Bình Giã, thế hệ hôm nay vẫn còn gặp được một số nhân chứng lịch sử, là những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang. Câu chuyện của Đại úy, bác sĩ Tăng Phát Nhuần, nguyên Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể tại hội thảo khiến các đại biểu xúc động và cảm phục.
Ông Nhuần kể: "60 năm trước, chấp hành lệnh của trên, tôi và đồng đội đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Bình Giã. Lúc đó, tôi là Thượng sĩ, y tá trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 (Q761). Thực hiện kế hoạch tác chiến, chúng tôi được lệnh hành quân hỏa tốc từ Củ Chi đi Bà Rịa. Mỗi người được cấp 1 gói cơm đủ ăn trong 2 ngày đêm. Bộ phận quân y chúng tôi đi cuối đội hình tiểu đoàn để hỗ trợ các đồng chí đau ốm, sốt rét.
Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng các đại biểu, nhân chứng lịch sử tại hội thảo.
Sau 7 ngày đêm hành quân, chúng tôi đến Bà Rịa, trú quân trong rừng, tham gia vận chuyển vũ khí trang bị từ Bình Châu về căn cứ. Khi được lệnh mở màn đánh địch ở Bình Giã, Tiểu đoàn 2 triển khai bộ phận đóng quân cạnh Ban Chỉ huy, gần Sở Cao su Xuân Sơn. Trong quá trình chiến đấu, quân địch bị thương rất nhiều. Tôi được đồng chí Kỳ Nam, Chính trị viên Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cứu chữa quân địch bị thương. Tôi hiểu, chúng ta đang làm công tác binh vận, địch vận nên phải coi trọng việc làm nhân đạo này.
Khi vào trận địa, tôi thấy xác giặc nằm ngổn ngang. Tôi phát hiện có một tên giả chết. Khi tôi đến gần, hắn bật dậy van xin: “Xin ông tha cho tôi”! Tôi hỏi hắn, súng đạn đâu, hắn nói bị Quân Giải phóng tịch thu rồi, chỉ còn cái này. Nói rồi hắn rút bóp tiền, tháo đồng hồ đưa cho tôi và nói: “Ông cầm đi rồi tha mạng sống cho tôi”!. Tôi nói lớn: “Tôi chỉ lấy súng đạn bọn Mỹ trang bị cho anh thôi, còn tài sản, anh giữ lấy. Các anh nên bỏ ngũ về với vợ con, gia đình để không phải bỏ mạng ở chiến trường”. Tôi băng bó vết thương cho hắn cẩn thận. Hắn xúc động, cảm ơn tôi rối rít…''.
Ông Tăng Phát Nhuần được cháu ngoại dẫn đến dự hội thảo.
''Đặc biệt, trong trận này, ta cũng bắt được tù binh Mỹ. Tên này bị thương nhẹ ở đùi, được đưa về Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Trong lúc tôi đang băng bó vết thương cho nó thì máy bay địch quần sát ngọn cây, các chiến sĩ ta phải đào hầm trú ẩn. Tên lính Mỹ thấy vậy thì khóc, vì nó tưởng ta đào huyệt chôn nó. Nhờ có phiên dịch nên nó mới hiểu ra vấn đề, gương mặt biểu lộ vẻ yên tâm. Về sau, tôi có gặp lại tên tù binh này tại sân bay Lộc Ninh trong đợt trao trả tù binh giữa hai bên…
Trực tiếp tham gia Chiến dịch Bình Giã, tôi cảm nhận tình quân dân sâu sắc như cá với nước. Ngoài bộ đội, còn có nam, nữ thanh niên cùng bà con địa phương tham gia tải đạn và vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch. Tuy vất vả nhưng ai cũng nỗ lực làm việc, góp công sức làm nên chiến thắng vang dội. 60 năm trôi qua, hôm nay nhắc lại mấy kỷ niệm về Chiến dịch Bình Giã, tôi vô cùng xúc động…'', ông Nhuần chia sẻ.
Tuổi cao, sức yếu, ông Nhuần đến dự hội thảo với sự trợ giúp của cháu ngoại. Bảo Trân, cháu ngoại của ông Nhuần xúc động bày tỏ: ''Được đi cùng ông đến tham dự hội thảo, em thực sự xúc động và tự hào. Em là cử nhân Luật mới ra trường, đã được học tập về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông, nhưng khi được nghe ông kể về ký ức chiến tranh trong không gian trang trọng, ý nghĩa của hội thảo, em cảm nhận đây là bài học thực tiễn vô cùng quý giá. Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào với công lao to lớn đối với Tổ quốc của ông cha mình; mãi mãi biết ơn sự hy sinh xương máu của các Anh hùng liệt sĩ và những người đã góp công sức làm nên Chiến thắng Bình Giã cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng em thật hạnh phúc và tự hào được là người kế tục truyền thống cha ông…''.
Tầm vóc chiến thắng
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, PGS, TS Hồ Sơn Đài (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), nêu rõ: Trong hơn một tháng thực hiện chiến dịch tiến công, các đơn vị chủ lực Miền - lực lượng chủ yếu tham gia chiến dịch - đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến thuộc lực lượng dự bị chiến lược quân lực Việt Nam cộng hòa. Lần đầu tiên tác chiến tập trung quy mô cấp chiến dịch ở chiến trường B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội chủ lực Miền đã vận dụng linh hoạt các phương pháp tác chiến, thực hiện tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn bộ binh, từng chi đoàn thiết giáp địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã chứng tỏ vai trò đánh những trận tiêu diệt lớn của chủ lực Quân Giải phóng, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực, đồng thời đặt ra yêu cầu gấp rút xây dựng chủ lực Miền thành những quả đấm mạnh trên chiến trường B2.
Các đại biểu, nhân chứng lịch sử trò chuyện tại hội thảo.
Ngay sau ngày chiến dịch kết thúc, Bộ Chỉ huy Miền rút ra một số kết luận, trong đó nhấn mạnh: “Chiến thắng Bình Giã chứng minh sự cần thiết phải gấp rút xây dựng chủ lực Miền thành những quả đấm mạnh nhằm thay đổi nhanh chóng tương quan lực lượng giữa ta và địch, có lợi cho ta tiến lên giành toàn thắng”
Tham luận của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 đã khẳng định, Chiến thắng Bình Giã để lại những bài học rất giá trị trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và tác chiến phòng thủ của LLVT Quân khu 7 hiện nay.
Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh về những giá trị mang tính động lực của Chiến thắng Bình Giã trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giàu mạnh, văn minh…
Các ý kiến tham luận của đại biểu đến từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Sư đoàn 9, Quân đoàn 4; Huyện ủy Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhấn mạnh, đề cao mối quan hệ quân dân gắn bó keo sơn và bài học về công tác dân vận; công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là chiến sĩ, sinh viên, học sinh… từ hào khí cha ông, hào quang Chiến thắng Bình Giã…
Sáng mãi những bài học kinh nghiệm
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo thay mặt Ban tổ chức bày tỏ lời cảm ơn và đánh giá cao những tham luận của các đại biểu và những ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, hội thảo đã bổ sung, làm rõ thêm một cách khá toàn diện, sâu sắc về giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Bình Giã.
Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự điều hành nhạy bén, linh hoạt của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; thể hiện tinh thần nỗ lực của LLVT và nhân dân các địa phương trên địa bàn chiến dịch; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng chiến đấu, bảo đảm và phục vụ chiến đấu.
Thành công của Chiến dịch Bình Giã là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt. Từ thắng lợi lịch sử này, nhiều bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng đối phó hiệu quả với biện pháp chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” của địch… Những vấn đề quan trọng đó, cần tiếp tục đúc kết thành kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Sau cuộc hội thảo này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục sưu tầm, khai thác và cung cấp các tài liệu, sự kiện, nhân vật liên quan tới Chiến thắng Bình Giã để bổ sung vào công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn này. Các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, trước hết là trong Quân đội, cần tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị…
THÁI PHƯƠNG (lược thuật)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-ro-them-tam-voc-chien-thang-va-bai-hoc-kinh-nghiem-804064