Sáng tác mỹ thuật về lực lượng vũ trang: Cần đi sâu vào ngưỡng 'cảm nhận'

Sáng tác mỹ thuật về lực lượng vũ trang: Cần đi sâu vào ngưỡng 'cảm nhận'
3 giờ trướcBài gốc
Qua các giai đoạn kháng chiến và kiến quốc, nhiều thế hệ nghệ sỹ đã kế tiếp nhau sáng tạo, để lại cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. (Ảnh minh họa: Đức Anh/Vietnam+)
Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh cách mạng Việt Nam đã trở thành một “dòng chảy” mãnh liệt song hành cùng lịch sử đất nước. Trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển (từ 1975 đến nay), đề tài này vẫn là một phần không thể thiếu của mỹ thuật Việt Nam, là nguồn cảm hứng và trách nhiệm, thôi thúc các thế hệ họa sỹ trong và ngoài quân đội say mê khám phá.
Song, sáng tác mỹ thuật về người lính như thế nào để có những tác phẩm hay, không sa vào lối mòn đang đặt ra những thách thức lớn với các nghệ sỹ.
Đó cũng là nội dung tọa đàm “Sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025” diễn ra ngày 25/2 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đánh thức ký ức hào hùng
Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho hay cuộc vận động sáng tác mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sỹ cả nước ở nhiều độ tuổi, đóng góp các tác phẩm có chất liệu, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú; bám sát đúng nội dung, chủ đề sáng tác.
Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Đại tá Lê Vũ Huy, nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, được hình thành thông qua các tài liệu ghi chép trong các đoàn thực tế sáng tác tại đơn vị quân đội; nhiều tác phẩm sáng tác về hình ảnh người chiến sỹ hôm nay trong xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; ca ngợi vẻ đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay.
Cùng quan điểm đó, họa sỹ Trịnh Bá Quát, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng cuộc vận động sáng tác, triển lãm về đề tài lực lượng vũ trang đã thực sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức mỹ thuật lịch sử trọng đại này, góp phần lành mạnh hóa đời sống mỹ thuật của chúng ta. Điều đáng nói hơn, nó thức dậy những ký ức, kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh hào hùng, phát hiện được nhiều thế hệ tác giả tâm đắc và có triển vọng về đề tài lịch sử này.
“Có thể nói mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang là mạch nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ họa sỹ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội. Qua đó, thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay,” họa sỹ Trịnh Bá Quát chia sẻ.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chia sẻ về vấn đề này, họa sỹ Bằng Lâm cho rằng lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam suốt 80 năm qua, nhiều tên tuổi họa sỹ đã thành danh và có những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
“Đây là đề tài khó, những người sáng tác phải phản ánh xuyên suốt về truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do. Hy vọng, mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng, có sức định hướng, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa nước nhà,” họa sỹ Bằng Lâm bày tỏ.
Khắc họa hình tượng người lính ở nhiều chiều
Chính vì lực lượng vũ trang là một đề tài khó nên giới chuyên môn rất trăn trở về việc làm sao để nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật, để ngày càng nhiều hơn các tác giả, tác phẩm về đề tài này.
Theo họa sỹ Trịnh Bá Quát, cuộc chiến tranh đã lùi xa hàng nửa thế kỷ. Các tác giả đi qua các cuộc kháng chiến đã thưa vắng dần, điều kiện kinh tế của đa phần tác giả còn nhiều khó khăn, mặc dù cảm xúc, tư liệu về cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn, nhưng lực bất tòng tâm.
Các tác phẩm mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Để có những sáng tác tốt về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới, họa sỹ Trịnh Bá Quát cho rằng cần vận động diện rộng và đầu tư có chiều sâu, tức là phát hiện đội ngũ tác giả, đầu tư có trọng điểm cho tác giả và tác phẩm. Không thể chỉ làm một cuộc vận động, tổ chức phong trào chung chung.
Cụ thể, họa sỹ Trịnh Bá Quát cho rằng các đơn vị nên tổ chức các chuyến đi thâm nhập thực tế đến với các đơn vị bộ đội, công an nhân dân cho các họa sỹ cả nước, để ghi chép lấy tài liệu phục vụ cho công việc sáng tác xây dựng tác phẩm.
Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho tác phẩm về đề tài lịch sử, đề tài lãnh tụ, đề tài lực lượng vũ trang chưa được các cấp các ngành trong và ngoài quân đội quan tâm đúng mức.
“Hệ thống các bảo tàng cần có các tác phẩm mỹ thuật trong hệ thống trưng bày như một hiện vật để, lưu giữ, bảo quản, tuyên truyền cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam với khách tham quan trong và ngoài nước,” ông Quát nói.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (phải). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gợi ý đề tài cho các họa sỹ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng vẽ về lực lượng vũ trang không chỉ có hình ảnh hành quân hay chiến đấu. Bộ đội thời bình có sự hiện diện, lăn xả, dấn thân trong đời sống, khi thiên tai, dịch bệnh. Các họa sỹ cần có sự sáng tạo sâu sắc hơn, cô đọng hơn.
Cùng quan điểm, họa sỹ Đào Quốc Huy cho rằng người nghệ sỹ sáng tạo bằng hai con đường: Cảm xúc trực tiếp và cảm xúc gián tiếp.
“Thế hệ trước trực tiếp tham gia, chứng kiến chiến tranh nên có trải nghiệm. Thế hệ chúng tôi chỉ có cảm xúc gián tiếp, khó là ở chỗ đó,” họa sỹ Đào Quốc Huy chia sẻ.
Thạc sỹ, họa sỹ Đào Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành Hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ở góc độ cá nhân, họa sỹ Đào Quốc Huy cho rằng vẽ về người lính không nhất thiết phải ở trong cảnh chiến đấu mà còn có thể khai thác nhiều chiều kích về thân phận con người.
Lấy ví dụ tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia, họa sỹ Đào Quốc Huy cho rằng tác phẩm không có đạn bom, khói lửa nhưng vẫn thể hiện được sự ác liệt, gian khổ, hy sinh thông qua hình ảnh những người thương binh dìu nhau, người lính ngước lên trời cảnh giác với máy bay địch…
“Chúng ta đang làm tranh ở ngưỡng ‘trông thấy’ mà không đi sâu vào ngưỡng ‘cảm thấy’. Tôi cho rằng Việt Nam chiến thắng nhiều đế quốc không phải nhờ khí tài mà nhờ vào tình yêu đất nước. Người chiến sỹ ra trận vì gia đình, quê hương. Sau lưng họ là vợ con. Đó là điều tôi ‘cảm thấy’ để sáng tác,” họa sỹ Đào Quốc Huy chia sẻ./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/sang-tac-my-thuat-ve-luc-luong-vu-trang-can-di-sau-vao-nguong-cam-nhan-post1014274.vnp