Sáng tạo mô hình, thiết bị huấn luyện cho bộ đội đặc công

Sáng tạo mô hình, thiết bị huấn luyện cho bộ đội đặc công
8 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với Đại tá Phạm Ngọc Hưng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 198, chúng tôi được biết: Tiền thân của Lữ đoàn là Trung đoàn Đặc công 198 thuộc Mặt trận Tây Nguyên, thành lập ngày 19-8-1974 tại xã Chư Nghé, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Krai, huyện Ia Grai), tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi ra đời, Trung đoàn Đặc công 198 tổ chức huấn luyện, chiến đấu, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của địch trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
Đoàn công tác Binh chủng Đặc công tham quan các mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn Đặc công bộ 198.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, tham gia đánh trận then chốt Buôn Ma Thuột, Trung đoàn Đặc công 198 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Sân bay Hòa Bình, Sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, Kho Mai Hắc Đế. Sau đó, Trung đoàn cơ động, giải phóng TP Đà Lạt. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn được giao đánh chiếm và chốt giữ cầu Bông, cầu Sáng, để các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 tiến công vào nội đô Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn công tác Binh chủng Đặc công tham quan các mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn Đặc công bộ 198.
"Những chiến lệ, kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, diễn tập, xây dựng đơn vị sau này. Nhờ đó, những năm qua, trong các hội thi, hội thao, diễn tập, Lữ đoàn đều thuần thục tác nghiệp, vận dụng tốt địa hình, phát huy yếu tố địa bàn Tây Nguyên để triển khai nhiệm vụ.
Lữ đoàn luôn đoạt giải cao trong hội thao, hội thi các cấp, như: Giải nhất toàn quân Hội thi chủ nhiệm kỹ thuật sư đoàn, lữ đoàn, năm 2022; giải nhất toàn năng cặp liên đội trưởng, chính trị viên liên đội (nay là tiểu đoàn) đặc công toàn quân năm 2023; giải nhất về sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện Binh chủng Đặc công năm 2021…", Đại tá Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Đại đội 12, Lữ đoàn Đặc công bộ 198 là đơn vị có nhiều sáng tạo mô hình, trang thiết bị huấn luyện.
Đóng quân trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều điểm tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khi có lệnh là làm nhiệm vụ được ngay và giải quyết các tình huống tác chiến. Nhiệm vụ và vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng đặc công có tính đặc thù cao, trong khi đó, kinh phí cho huấn luyện hạn hẹp, một số loại vũ khí, khí tài trang bị chưa đồng bộ, chưa phù hợp tác chiến trên địa bàn.
Khắc phục khó khăn trên, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn chủ động nghiên cứu sáng tạo cải tiến, làm mới các mô hình, khí tài, trang thiết bị phục vụ huấn luyện.
"Đảng ủy Lữ đoàn có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về công tác phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Hằng năm, mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc Lữ đoàn đều có từ 3 đến 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng. Từ năm 2020 đến nay, toàn Lữ đoàn đã hoàn thành 72 sáng kiến, có nhiều sáng kiến chất lượng tốt như: Thiết bị tạo giả âm thanh, tiếng nổ, khói; thiết bị tháo lắp đạn súng 12,7mm; thiết bị chuyên dùng tháo lắp súng tiểu liên AK; phần mềm dịch mật ngữ M82-5; các mô hình: "Trò chơi trên thao trường", "Vườn cây tiến bộ", "Vườn hoa Quyết thắng"…", Đại tá Phạm Ngọc Hưng cho biết thêm.
Thực tiễn tại Tiểu đoàn 35 (Lữ đoàn Đặc công bộ 198) cho thấy sự nỗ lực sáng tạo và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào phục vụ huấn luyện bộ đội chuyên ngành đặc công.
Thiếu tá Phạm Văn Tam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 35, tác giả sáng kiến "Thiết bị tạo giả đa năng" giới thiệu: "Xuất phát từ huấn luyện kỹ thuật vận động, đánh phá các loại mục tiêu hoặc huấn luyện đội ngũ chiến thuật, việc bố trí thao trường, bãi tập của các đơn vị đặc công chưa áp dụng và bố trí các trang bị tạo giả. Vì vậy chưa đưa bộ đội luyện tập sát thực tế chiến đấu, nhất là trong điều kiện phát triển công nghệ hiện nay. Tôi nghiên cứu sáng kiến "Thiết bị tạo giả đa năng" nhằm đưa bộ đội vào luyện tập sát thực tế với thiết bị điện tử tiên tiến, rèn cho người tập sát với chiến đấu, phải đúng vị trí, kỹ thuật, phải thực sự điêu luyện.
Thiết bị có khả năng tạo tiếng giả kết hợp với mõ quay phát sáng. Thiết bị giúp nâng cao chất lượng huấn luyện và tạo niềm tin của bộ đội vào nghệ thuật tác chiến đặc công. Sáng kiến áp dụng vào huấn luyện kỹ thuật chiến thuật, để bộ đội luyện tập sát với chiến đấu. Áp dụng huấn luyện đội ngũ chiến thuật để bộ đội phải luồn sâu lót sát, kiên trì, tỉ mỉ, bắt buộc phải lợi dụng vào địa hình địa vật che khuất và vị trí sơ hở. Áp dụng cho huấn luyện đối kháng để tăng độ khó, nâng cao chất lượng huấn luyện và giúp bộ đội tiếp xúc với công nghệ tiên tiến".
Thiếu tá Phạm Văn Tam (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu thiết bị tạo giả đa năng đưa vào phục vụ huấn luyện.
Trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Tiểu đoàn 35 còn nghiên cứu ứng dụng thành công các thiết bị tạo giả tự động, rô bốt rà phá bom mìn, ròng rọc hỗ trợ, bảo hiểm khi leo nhà cao tầng, thiết bị hỗ trợ Qo (quy chuẩn) đường ngắm của súng bắn tỉa RPD, thiết bị cảm biến hồng ngoại… của Đại úy Ngô Công Định.
"Những sáng kiến áp dụng, bộ đội dễ hình dung, nắm chắc nội dung, thực hành thuần thục, đồng thời giúp đơn vị chủ động trang thiết bị huấn luyện, tiết kiệm chi phí, chất lượng huấn luyện ngày càng được nâng lên", Thiếu tá Phạm Văn Tam khẳng định.
Bài, ảnh: HƯƠNG HỒNG THU - TRỌNG TUẤN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-tao-mo-hinh-thiet-bi-huan-luyen-cho-bo-doi-dac-cong-827662