Sáng tạo những sản phẩm ẩm thực đặc trưng trong dịp Tết

Sáng tạo những sản phẩm ẩm thực đặc trưng trong dịp Tết
4 giờ trướcBài gốc
Lạp xưởng tươi Vạn Lực là món ăn ngày Tết được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Ái Vân
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng trong dịp Tết, nhiều cơ sở sản xuất đã không ngừng phát triển, sáng tạo những sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, nhãn hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP để đưa sản phẩm phát triển ra thị trường. Do vậy, số lượng hàng Tết cũng tăng cao hơn so với bình thường.
Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất món ăn đặc trưng ngày Tết tranh thủ làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Vạn Lực, ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng không kém phần tất bật khi các nhân công luân phiên nhau sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Bình thường mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 30kg lạp xưởng tươi, nhưng vào những ngày giáp Tết, có thể sản xuất từ 90 đến 100kg/ngày, có ngày cao điểm, cơ sở sản xuất đến 250kg/ngày để kịp đơn hàng giao cho khách. Ưu thế của sản phẩm là được bảo quản lạnh, có thời hạn sử dụng dài, dễ chế biến, có thể luộc, chiên, nướng và ăn kèm các loại dưa, hành muối, củ kiệu nên lạp xưởng luôn được khách hàng ưa chuộng dùng làm món ăn trong dịp Tết hoặc dùng làm quà biếu tặng bạn bè, người thân. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở này đã hoàn thiện quy trình đóng gói sản phẩm, có dán mác, có thương hiệu, thể hiện sự trang trọng, mang ý nghĩa tượng trưng may mắn cho năm mới.
Chị Danh Thị Kim, chủ cơ sở kinh doanh lạp xưởng Vạn Lực cho biết, những khách hàng đã được sử dụng sản phẩm, họ rất tin tưởng vào chất lượng. Lạp xưởng Vạn Lực có vị đặc trưng, nguyên liệu làm ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, được làm theo kiểu truyền thống, không phơi mà chỉ cho vào lò sấy, căn chuẩn thời gian để thịt vừa ngọt, vừa thơm, giống như hương vị của thịt nướng. Chị Kim đang đặt thêm một số bao bì, đóng gói để làm quà tặng cho sang hơn, lịch sự hơn. Chị mong muốn khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì hương vị của nó không thay đổi, thể hiện sự uy tín của sản phẩm đối với khách hàng.
Để tạo nên thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm, mỗi cơ sở đều có bí quyết riêng để tạo hấp dẫn cho người tiêu dùng. Với sản phẩm lạp xưởng tươi Vạn Lực, bí quyết tạo nên sản phẩm ngon, ngoài khâu chế biến thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Thịt được chọn là phần đùi sau, phần lưng của lợn có trọng lượng từ 80 đến 90kg và chế biến khi thịt còn nóng ấm, ưu tiên chọn nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, thương hiệu và chất lượng sản phẩm lạp xưởng tươi Vạn Lực không ngừng được nâng lên, giữ vững uy tín với người tiêu dùng.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang hướng dẫn cơ sở hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đăng ký sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm lạp xưởng tươi Vạn Lực vươn xa hơn. Nhờ đó, số lượng bán ra thị trường năm sau cao hơn năm trước, không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho người lao động nông nhàn tại địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng của vùng quê huyện Châu Thành.
Tại thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, ngoài lạp xưởng, còn có cơ sở bánh bông lan Minh Anh của chị Nguyễn Thị Tú Trinh cũng được khách hàng gần xa biết đến vì chất lượng sản phẩm do cơ sở này sản xuất. Tiếp nối nghề làm bánh được bà và mẹ truyền lại, chị Trinh cùng 3 người em gái của mình tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống, không để mai một. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Trinh, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Tú Trinh đổ bánh vào khuôn. Ảnh: Ái Vân
Chị Trinh, ở khu phố 8, thị trấn Giồng Riềng chia sẻ, chị theo nghề truyền thống của gia đình để lại, lúc đó chỉ làm những chiếc bánh đơn thuần. Chị chỉ nghĩ, nếu bánh được cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng thì sẽ tạo ra thêm nhiều loại bánh mới. Trước đây, chị làm bánh nhân lạp xưởng, sơ chế chín và một số gia vị khác rồi đưa ra thị trường, thấy khách hàng phản hồi tốt, chất lượng ngon nên chị mới phát triển nghề như hiện nay.
Nguyên liệu làm bánh bông lan truyền thống được làm từ bột mỳ, trứng vịt, qua thời gian, chị Trinh đã sáng tạo ra bánh bông lan mặn nhân thịt heo, lạp xưởng, nấm mèo với hương vị rất riêng. Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh khác nhau, thị hiếu tiêu dùng cũng đổi chiều, người dân quay lại với món bánh truyền thống. Do đó, vào những ngày Tết, bánh bông lan được nhiều gia đình ưa chuộng, dùng để đãi khách, làm quà biếu, cúng tổ tiên với ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, ăn nên làm ra trong năm mới.
Cùng với những đơn hàng xuất bán từ trong đến ngoài tỉnh, bánh bông lan Minh Anh thường xuyên có mặt trong các nhà hàng, tiệc cưới trên địa bàn huyện Giồng Riềng. Nhằm nâng cao thương hiệu và giá trị của sản phẩm, chị Trinh luôn tuân thủ các tiêu chuẩn của một sản phẩm OCOP. Tháng 9/2023, sản phẩm bánh bông lan Minh Anh được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm của tỉnh Kiên Giang công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Từ đó, chị Trinh thiết kế mẫu, bao bì, gắn nhãn truy xuất nguồn gốc và đầu tư máy móc để phát triển sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị trường.
Theo ông Võ Tường Hân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giồng Riềng, nghề làm bánh bông lan đang phát triển phổ biến ở huyện Giồng Riềng. Gia đình chị Trinh đã giữ nghề truyền thống trên 30 năm, từ buôn bán nhỏ lẻ, nay đã được phát triển, nhân rộng với quy mô lớn hơn tại địa phương. Địa phương đã hỗ trợ chị tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mua máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất giúp gia đình chị gìn giữ nghề truyền thống và ngày càng phát triển.
Những món ăn đặc trưng ngày Tết luôn hiện diện trong mỗi gia đình người Việt, tạo nên nét đẹp truyền thống trong mỗi dịp Xuân về, mang theo hơi ấm của sự sẻ chia và lan tỏa hương vị Tết đến với mỗi người, mỗi nhà.
Ái Vân
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/sang-tao-nhung-san-pham-am-thuc-dac-trung-trong-dip-tet-post485315.html