Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) vừa cho biết, sao Chổi sáng nhất trong gần 20 năm qua - sao chổi C/2024 G3 (ATLAS) - dự kiến sẽ đạt đến vị trí cận nhật vào lúc 17 giờ 17 phút (theo giờ Việt Nam) ngày 13/1. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 5/4/2024 bởi "Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh" (ATLAS) khi ở cách Trái Đất 665 triệu km cùng độ sáng biểu kiến khiêm tốn +19, tức là mờ hơn khoảng 158.000 lần so với ngôi sao mờ nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy.
Sao chổi C/2024 G3 sẽ rực sáng chiều nay.
C/2024 G3 luôn xuất hiện ở rất gần Mặt Trời, vậy điều này có giúp nó đủ sáng để quan sát trên bầu trời chạng vạng không? Điều này sẽ rất khó dự đoán đối với các sao chổi chu kỳ dài như G3 ATLAS khi không có bất kỳ lần ghé thăm trước đó nào được ghi chép.
Vào ngày 4/1, Daniel Green thuộc Cục Điện tín Thiên văn Hoa Kỳ đã đưa ra dự bá độ sáng của G3 dựa trên hoạt động của nó gần đây. Tại điểm cận nhật, nó có thể đạt tới độ sáng biểu kiến là - 3,2, tức là sáng hơn so với Sao Mộc. Tuy nhiên, thật khó để quan sát khi sao chổi này xuất hiện ngay cạnh Mặt Trời. Sau thời điểm này, nếu vẫn đủ sáng, bạn có thể nhìn thấy nó ngắn ngủi trên bầu trời hoàng hôn sau khi Mặt Trời lặn ở hướng Tây Nam.
Tán xạ thuận xảy ra tương tự như C/2023 A3 cũng có thể khiến C/2024 G3 sáng hơn. Đối với trường hợp này góc pha cực đại của nó là 115 độ vào cuối ngày 13/1. Sao chổi sẽ sáng hơn, tuy nhiên sáng hơn bao nhiêu thì vẫn còn gây tranh cãi. Theo tính toán, độ sáng của G3 có thể đạt tới - 4, ngang bằng Sao Kim, hoặc thậm chí sáng hơn.
Nếu bạn muốn theo dõi hành trình của C/2024 G3 qua điểm cận nhật, Đài quan sát Mặt Trời và Nhật quyển (SOHO) là một lựa chọn tuyệt vời. G3 sẽ nằm trong phạm vi quan sát của máy ảnh LASCO C3 từ ngày 12/1 lúc 3 giờ sáng đến ngày 15/1 lúc 10 giờ sáng. Nó "dường như" sẽ đi qua gần Mặt Trời nhất ở khoảng cách tâm chỉ 4,9 độ vào lúc 20 giờ ngày 13/1.
Tô Hội