Chương trình "Tổ Quốc ghi công" là bản hòa ca thiêng liêng của lòng biết ơn
Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện và sẽ phát sóng ngày 27.7 trên Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Chương trình Tổ Quốc ghi công là bản hòa ca thiêng liêng của lòng biết ơn, là nén tâm nhang thành kính dâng lên thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh xương máu vì Tổ quốc.
Họ đã để lại nơi chiến trường xưa không chỉ máu xương mà còn cả tuổi trẻ, những ước mơ chưa kịp gọi tên, để đất nước hôm nay được nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Trong không gian trang nghiêm, từng nghi lễ dâng hương và những tiết mục nghệ thuật sâu lắng đã chạm đến trái tim người xem, lắng đọng, xúc động và đầy tự hào.
Xen giữa những giai điệu ấy là các cuộc trò chuyện gần gũi, lay động với nhân chứng lịch sử; với cán bộ, chiến sĩ ngày đêm gìn giữ biên cương; và với những gương mặt trẻ đại diện cho thế hệ hôm nay.
Trong không gian trang nghiêm, từng nghi lễ dâng hương và những tiết mục nghệ thuật sâu lắng đã chạm đến trái tim người xem
Mỗi kỷ niệm được chia sẻ không chỉ gợi nhớ một thời lửa đạn mà còn gửi gắm lời nhắn tha thiết: Hãy sống xứng đáng với những hy sinh thầm lặng, với máu xương của bao thế hệ cha anh đi trước.
Bởi từng khoảnh khắc bình yên hôm nay đều được đánh đổi bằng cả một thời tuổi trẻ của cha anh chúng ta.
Đem đến cho khán giả ca khúc Gửi vào thương nhớ trong chương trình, Sao mai Nguyễn Thu Hằng bày tỏ niềm biết ơn khi được hát tại Nghĩa trang Đường 9 thiêng liêng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.
Ca khúc do nhạc sĩ Lê Trọng Lập sáng tác, phổ nhạc từ bài thơ Viếng mộ ba của nữ tác giả Minh Ngọc. Bài thơ là những dòng tâm sự gửi đến người cha đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế.
Sao mai Nguyễn Thu Hằng và các ca sĩ bày tỏ niềm biết ơn khi được hát tại Nghĩa trang Đường 9 thiêng liêng
Mỗi ca từ, giai điệu trong sáng tác dung dị và nhẹ nhàng ấy như lời thủ thỉ đầy yêu thương, mong nhớ vô bờ của người con dành cho cha đang yên nghỉ cùng đồng đội nơi Nghĩa trang Đường 9.
Sao mai Nguyễn Thu Hằng chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần được hát tại Nghĩa trang Đường 9 – nơi yên nghỉ của gần 11.000 Anh hùng - Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc; lần nào cũng dâng trào xúc động. Cảm giác đứng giữa nơi đây hát luôn rất đặc biệt, khó diễn tả.
Tôi cảm nhận mình không chỉ hát cho khán giả dưới khán đài mà còn đang hát cho gần 11.000 Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây.
Tôi đã hát Gửi vào thương nhớ bằng tất cả tình cảm tri ân sâu sắc, với lòng biết ơn vô hạn gửi tới thế hệ đi trước đã hy sinh, dâng hiến xương máu cho hòa bình, độc lập mà hôm nay chúng ta đang được hưởng”.
Trong không khí xúc động và thiêng liêng của chương trình, Sao mai Nguyễn Thu Hằng chọn diện những tà áo dài nền nã.
Trở lại sân khấu âm nhạc, cô hoạt động tích cực, liên tục tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn trên khắp mọi miền đất nước.
Trong không khí xúc động và thiêng liêng của chương trình, Sao mai Nguyễn Thu Hằng chọn diện những tà áo dài nền nã
Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 năm nay, Thu Hằng cho biết cô sẽ tiếp tục góp mặt trong một số chương trình tri ân và bày tỏ niềm tự hào khi được làm điều đó.
MINH HÀ