Sao Ta (FMC): Doanh số quý 1/2025 tăng gần 42%, đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang

Sao Ta (FMC): Doanh số quý 1/2025 tăng gần 42%, đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang
một ngày trướcBài gốc
Theo thông tin công bố, riêng trong tháng 3/2025, doanh số chung của Sao Ta đạt 23,62 triệu đô la Mỹ, ghi nhận mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này có được nhờ sự gia tăng ở cả mảng tôm và nông sản. Cụ thể, sản lượng tôm thành phẩm sản xuất đạt 2.549 tấn (tăng 27% so với cùng kỳ) và sản lượng tiêu thụ đạt 2.016 tấn (tăng 19%). Đối với nông sản, sản lượng thành phẩm đạt 153 tấn (tăng 36%) và sản lượng tiêu thụ đạt 89 tấn (tăng 51%).
Lũy kế cả quý 1/2025, tổng doanh số của Sao Ta đạt 70,52 triệu đô la Mỹ, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trên cơ sở kết quả đạt được và nhận định thị trường, Sao Ta dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới kế hoạch kinh doanh cho năm 2025. Mục tiêu sản lượng bao gồm 25.000 tấn tôm chế biến, 22.000 tấn tôm tiêu thụ và 1.300 tấn nông sản tiêu thụ. Về mặt giá trị, công ty đặt mục tiêu tổng doanh số đạt 255 triệu đô la Mỹ, tăng gần 2% so với thực hiện năm 2024, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 420 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 422 tỉ đồng của năm trước.
Với kết quả quý 1, Sao Ta ước tính đã hoàn thành gần 28% mục tiêu doanh số cả năm 2025.
Về hoạt động nuôi tôm, công ty cho biết khu nuôi mới đã bắt đầu thả giống vụ chính vào những ngày cuối tháng 3. Theo kế hoạch, khu nuôi cũ cũng sẽ tiến hành thả giống vào giữa tháng 4.
Đánh giá về triển vọng năm 2025, ban lãnh đạo Sao Ta nhận định công ty có một số yếu tố thuận lợi. Các xung đột thương mại và địa chính trị có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó tạo cơ hội cho FMC mở rộng thị trường. Công ty cũng có điều kiện tập trung vào việc chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy nhằm giảm chi phí và tăng năng suất. Việc sở hữu vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế ASC (Aquaculture Stewardship Council) với diện tích lớn, đủ đáp ứng nguồn cung cho các hệ thống phân phối lớn cũng là một lợi thế cạnh tranh, trong khi thị trường và chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định.
Tuy nhiên, Sao Ta cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức tiềm ẩn. Đáng chú ý là việc tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang đối mặt đồng thời hai vụ kiện: chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bên cạnh đó, yếu tố biến đổi khí hậu khó lường tiếp tục là rủi ro đối với ngành nuôi tôm. Tình hình lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ chính chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, cùng với diễn biến cung cầu tôm trên thế giới có thể tạo ra những bất lợi cho ngành tôm Việt Nam nói chung.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/4, cổ phiếu FMC đóng cửa ở mức giá 47.100 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 0,42% so với phiên trước.
Nhã Liên
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/sao-ta-fmc-doanh-so-quy-12025-tang-gan-42-dat-muc-tieu-loi-nhuan-di-ngang-81942.html