Nói một cách cụ thể, đó là việc khắc phục khó khăn từ điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, thổ nhưỡng để trồng rau xanh của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, chủ yếu là học viên lớp cao đẳng Ngành Quân sự cơ sở các khóa, là lực lượng đông nhất mà Tiểu đoàn 1 đang quản lý.
Đi giữa khoảng vườn xanh mơn mởn với đủ chủng loại: Su hào, bắp cải, cải canh..., Thiếu tá Ma Công Quý, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 1 khoe: "Bên này là khu vực tăng gia của học viên Lớp Cao đẳng Ngành Quân sự cơ sở khóa 12. Phải nói rằng, so với các lớp học viên mà tiểu đoàn đang quản lý, thì thường các "học viên sao vuông" có kinh nghiệm tăng gia khá phong phú và bao giờ cũng cho hiệu quả, năng suất tốt nhất".
Các học viên tích cực tăng gia mỗi buổi chiều.
Điều anh Quý nói có phần hợp lý. Bởi so với các đối tượng học viên khác, đây là khối học viên có thời gian theo học tại Nhà trường lâu nhất. Đồng thời, chủ yếu học là cán bộ chỉ huy quân sự các xã, phường. Đây là những học viên đã có tuổi đời lại gắn bó với đồng ruộng, nương rẫy vì vậy kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, trồng trọt cũng phong phú hơn các đối tượng khác như chiến sĩ học tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng hay học viên các lớp bồi dưỡng ngắn hạn.
Anh Lý Việt Đức, Học viên Lớp Cao đẳng Ngành Quân sự cơ sở Khóa 12, Tiểu đoàn 1, là Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với chúng tôi những ngày đầu về đơn vị theo học, anh cũng khá bỡ ngỡ. Việc học trên lớp chưa quen, tiếp thu kiến thức cũng có phần khó khăn hơn do tuổi đã cao. Song chính những giờ tăng gia đã giúp các học viên có cảm giác như được gặp lại công việc thân quen của mình khi còn ở nhà. Những khoảng thời gian đó giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà cũng như lấy lại cân bằng trong quá trình rèn luyện, học tập. Cho nên hầu hết học viên, ai cũng hăng hái tăng gia.
Xới đất sau thu hoạch để trồng gối vụ.
Và mỗi chiều, không chỉ có anh Đức, nhiều học viên khác cũng tích cực xới đất, gánh nước, gieo trồng...
Có một điều ít ai biết, nếu chỉ nhìn vào những vạt rau xanh mướt thì khó mà tưởng tượng, dưới những vạt rau xanh mơn mởn chính là nền đất đá ong, sỏi cơm bạc màu. Việc cải tạo đất đã tốn không ít thời gian và công sức. Hơn nữa thời tiết ở đây cũng khá khắc nghiệt, mùa hè thì nắng rát, mùa đông thì lạnh thấu da, cắt thịt và sương muối cũng làm cho việc trồng rau rất khó khăn.
Cán bộ, học viên Tiểu đoàn 1 thu hoạch rau.
Hiểu rõ đặc điểm đó, chỉ huy tiểu đoàn đã phát huy tính tích cực của từng học viên, đặc biệt là các học viên có chuyên môn về nông nghiệp ở nhiều miền quê khác nhau về đây theo học. Có học viên ở các tỉnh nhiều ao chuông thì tư vấn cách sử dụng bèo hoa dâu để làm tơi xốp đất và điều đó cũng có hiệu quả thật. Rồi học viên lại sử dụng bùn lấy về từ ao hồ để trộn vào đất. Có học viên nhận thấy, ở quanh đơn vị có rất nhiều cây cúc đắng (dã quỳ) nên đưa ra sáng kiến, cắt cây này về ủ phân xanh để bón phân, cải tạo đất. Hay thậm chí có học viên "có nghề" về nông nghiệp đưa ra cách cải tạo bằng xen canh, trồng một vụ rau thì thay bằng một vụ lạc, hay hoa màu khác... Rồi vấn đề sương muối cũng được khắc phục bằng nhà lưới, hoặc che chắn mỗi mùa sương về.
Và với nhiều lần thử nghiệm các cách thức khác nhau, đất cũng "động lòng" bởi sự kiên trì, cần cù, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ mà vạt đất trồng rau ngày càng màu mỡ, tơi xốp. Từ những vỉa đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" ngày nào, nay đã là những luống rau xanh mướt mát. Mùa nào cho thức ấy, đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh cho đơn vị.
Những giỏ rau tươi xanh là thành quả của những buổi chiều miệt mài tăng gia.
Nói về những kết quả từ quá trình xanh hóa vườn rau tưởng như kỳ diệu đó, Thượng tá Đỗ Quốc Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cho biết: "Đơn vị đã tận dụng triệt để và mở rộng diện tích vườn tăng gia, không để đất trống. Hiện tổng diện tích đất vườn giàn là hơn 4.600m2. Riêng năm 2024, Tiểu đoàn đã đầu tư hơn 35 triệu đồng để củng cố vườn, giàn, nhà lưới và hệ thống tưới tiêu cho rau. Cũng chính từ đó mà tổng sản lượng rau các loại trong năm đã đạt hơn 5.200kg, bình quân đạt 13kg/người/tháng. Tổng lãi đã trừ chi phí hơn 15 triệu đồng".
Đi giữa những vạt xanh hôm nay, những luống đất dưới chân đang cựa mình chuẩn bị cho mùa thu hái và sẵn sàng cho những vụ đâm chồi, nảy lộc mới. Những đất sỏi, đá ong bạc màu ngày nào hôm nay đã lên xanh đền đáp công sức người cải tạo, vun trồng.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG CHUYÊN