Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao, lan truyền thông tin một du khách đã đặt phòng trên fanpage giả mạo một khu nghỉ dưỡng nổi tiêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng. Vụ việc được cho biết là lấy lý do chuyển khoản sai nội dung, vị du khách được đề nghị kích hoạt 1 tài khoản VNPay cho chính mình và chuyển tiền vào đó theo cú pháp mà nhân viên khu nghỉ dưỡng này đưa ra để đảm bảo. Ngay sau khi chuyển số tiền lớn, vị khách này đã không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng mới biết mình đã bị lừa.
Trao đổi với Báo Công Thương về vụ việc này, ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO Công ty AZA Travel -cho rằng, vụ lừa đảo có sự kết hợp hành vi cũ, mới và có sự đầu tư rất bài bản. Đó là đối tượng lừa đảo đã xây dựng fanpage khu nghỉ dưỡng, có tương tác, tư vấn rất chuyên nghiệp; kết hợp sử dụng công nghệ thao túng tâm lý từ đó tạo lòng tin do cho khách. “Do du lịch là sản phẩm vô hình, đồng thời các dịch vụ thường đặt cọc trước khi đến, nên nếu du khách không tỉnh táo rất dễ bị sập bẫy và mất tiền oan”- ông Đạt cho hay.
Người dân, du khách được khuyến cáo phải cảnh giác và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt cọc dịch vụ du lịch qua mạng. Ảnh minh họa
Thực tế, đây không phải là vụ việc lừa đảo mới liên quan đến đặt dịch vụ du lịch qua mạng. Thời gian qua, trước xu hướng đặt dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng, tour du lịch qua mạng phát triển, đặc biệt là dịp cuối năm, lễ Tết, nhu cầu tìm kiếm các gói ưu đãi nghĩ dưỡng, du lịch của người dân tăng cao, cũng chính là thời điểm để kẻ xấu lợi dụng mạo danh các thương hiệu dịch vụ để lừa đảo. Vì thế, liên tục xuất hiện khá nhiều trường hợp bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, homestay, tour du lịch... qua các trang mạng xã hội.
Chia sẻ với Báo Công Thương, luật sư Trần Lan Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương - chỉ rõ, các đối tượng xấu thường lập ra các website, fanpage trên Facebook giả mạo các cơ sở lưu trú, sử dụng hình ảnh thật của khách sạn, homestay, dùng các chiêu trò tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Và trong thời đại công nghệ số, nhiều nạn nhân còn bị dẫn dụ vào các ma trận, quà tặng, hoàn tiền, nhập link.
"Hầu hết các vụ lừa đảo du lịch đều có điểm chung là sử dụng thông tin giả mạo, tạo các ưu đãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng, yêu cầu đặt cọc một khoản tiền lớn trước khi thực hiện dịch vụ. Đặc biệt là lợi dụng lòng tin của khách hàng và khó truy vết sau khi nhận tiền. Mặt khác, khách hàng thường không đọc kỹ hợp đồng hoặc không xác minh thông tin trước khi đặt cọc, còn chủ quan và dễ dàng bị rơi vào bẫy lừa đảo do ít kinh nghiệm, cũng như ham giá rẻ, nhận các ưu đãi..." - luật sư Trần Lan Phương nói.
Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á - cũng cho rằng, các vụ lừa đảo du lịch thường xảy ra qua những trang web không chính thức hoặc các tài khoản mạng xã hội giả mạo. Đây là vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng. Và không chỉ khách hàng mà các công ty du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, làm mất uy tín, gây thiệt hại đáng kể bởi những vụ lừa đảo này.
Nâng cao cảnh giác trước các giao dịch đặt dịch vụ
Qua vụ việc vị khách hàng mất tiền đặt cọc dịch vụ tại Ninh Bình, CEO AZA Travel – Nguyễn Tiến Đạt nêu ý kiến khuyến nghị, người dân, du khách cần phải nâng cao cảnh giác trước các giao dịch đặt dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đặc biệt, không nên quá ham dịch vụ, sản phẩm giá rẻ, mà cần tỉnh táo phân biệt mức giá, nếu dịch vụ, sản phẩm có giá rẻ hơn thị trường thì cần phải xác minh lại. Mặc khác, khi giao dịch, cần yêu cầu hợp đồng, ký đóng dấu, có phiếu thu, chuyển khoản vào tài khoản công ty cung cấp dịch vụ.
Ông Phạm Hải Quỳnh cũng khuyến cáo, trước khi đặt cọc dịch vụ, du khách nên kiểm tra thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo đó, nên chọn những đơn vị uy tín, có giấy phép kinh doanh rõ ràng. Tìm kiếm đánh giá từ những khách hàng trước đó để có cái nhìn tổng quan về chất lượng dịch vụ. Nếu có thể, hãy thực hiện thanh toán sau khi đã kiểm tra trực tiếp dịch vụ hoặc qua các nền tảng thanh toán an toàn.
Còn về phía doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, khu nghỉ dưỡng, các ý kiến nhấn mạnh đó là cần có những cảnh báo sớm tới du khách khi bị giả mạo thương hiệu tới cơ quan chức năng địa phương, thanh tra du lịch, công an… “Khi các đơn vị cùng vào cuộc sẽ kịp thời ngăn chặn được các vụ lừa đảo và tránh cho khách khỏi mất tiền oan”- ông Đạt đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh cho hay, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng, phải tăng sử dụng các công nghệ bảo mật hàng đầu cho trang web của đơn vị. Cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo. “Doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ khách hàng và tạo dựng môi trường du lịch an toàn”- ông Quỳnh nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc khách hàng mất tiền đặt cọc dịch vụ nghỉ dưỡng tại Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình cũng đã lên tiếng cho biết đang phối hợp xác minh vụ việc. Theo ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, trước Tết Nguyên đán 2025, khu nghỉ dưỡng này đã bị các đối tượng xấu giả mạo trang web, fanpage Facebook… có giao diện gần giống trang chính của đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo.
Ngoài ra, Sở Du lịch Ninh Bình cũng đã có khuyến cáo đối với các khu, điểm du lịch, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn về việc cảnh báo du khách để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo mất tiền. Các đơn vị khi phát hiện các trang web, fanpage giả mạo… cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý, tránh bị ảnh hưởng, thiệt hại cho du khách cũng như hình ảnh du lịch Ninh Bình.
Theo ý kiến luật sư Trần Lan Phương, dưới góc độ pháp lý, các vụ lừa đảo đặt cọc du lịch có thể bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với mức án lên đến 20 năm tù tùy mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế, các nạn nhân thường khó lấy lại tiền do kẻ gian sử dụng danh tính giả và tài khoản ngân hàng mượn danh. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, cả khách hàng và doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp kiểm tra và xác minh trước khi giao dịch. Cụ thể, cần kiểm tra kỹ điều khoản hợp đồng, đọc kỹ các điều khoản đặt cọc; hạn chế đặt sản phẩm dịch vụ giá quá rẻ, nếu giá thấp hơn 30-40% so với thị trường, cần cẩn trọng; nên kiểm tra kỹ đường link trước khi nhập thông tin cá nhân để thực hiện giao dịch.
Bảo Thoa