Điều kiện cần để tiếp cận “vốn xanh”
Bộ Nông nghiệp và môi trường vừa trình Thủ tướng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh với một số nội dung đáng chú ý.
Quyết định này đóng vai trò là cơ sở để đánh giá và hỗ trợ các dự án có lợi ích môi trường, với những quy định áp dụng cho chủ dự án, tổ chức phát hành trái phiếu xanh, tổ chức tín dụng và các bên liên quan.
Theo đó, dự án phải đáp ứng các tiêu chí môi trường như có báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường, đồng thời thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kèm theo quyết định. Việc xác nhận tiêu chí môi trường sẽ do tổ chức độc lập thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và môi trường cho biết, văn bản xác nhận này là cơ sở để hưởng chính sách ưu đãi trong cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Đồng thời, hoạt động thanh tra, giám sát cũng được quy định để đảm bảo minh bạch, tránh lợi dụng chính sách.
Đã có thời điểm dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và 5,3% GDP của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, điểm quan trọng của quyết định là quy trình xác nhận dự án đáp ứng tiêu chí môi trường. “Xác nhận giúp đảm bảo tính minh bạch, khách quan và là điều kiện tiên quyết để các chủ dự án được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước”, Bộ nêu rõ.
Trong quá trình này, tổ chức xác nhận độc lập sẽ đóng vai trò trung gian, kiểm tra hồ sơ và đưa ra kết luận về việc dự án có đáp ứng tiêu chí môi trường hay không. Yêu cầu đặt ra với tổ chức xác nhận là phải có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp hoặc kiểm toán và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ chứng nhận sự phù hợp.
Sau khi dự án được xác nhận, văn bản xác nhận sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp tín dụng xanh hoặc cho phép phát hành trái phiếu xanh.
Đối với trái phiếu xanh, văn bản xác nhận giúp đảm bảo nguồn vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, góp phần vào phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Đối với tín dụng xanh, văn bản xác nhận là căn cứ để các tổ chức tín dụng xem xét cấp vốn với lãi suất ưu đãi, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Sau khi được xác nhận, chủ dự án có nghĩa vụ duy trì các tiêu chí môi trường đã cam kết và phối hợp với tổ chức xác nhận độc lập trong quá trình giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Thực tế, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và môi trường (cũ), Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế / dự án xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, các “danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí rõ ràng để sàng lọc, nhận diện được loại hình dự án nào đáp ứng yêu cầu được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và môi trường cho biết, cũng chưa có quy định pháp lý về việc xác nhận thế nào là một loại hình dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh - dẫn đến hạn chế huy động và giải ngân nguồn tài chính tiềm năng này.
Theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, mục đích chính của việc yêu cầu xác nhận các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh là nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro về các hành vi “tẩy xanh” của tổ chức phát hành trái phiếu xanh, thực hiện các khoản vay xanh.
Bộ đề xuất ban hành Nghị định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh sau khi tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được Thủ tướng ban hành.
Sôi động thị trường tín dụng xanh
Hiện tại, tốc độ phát triển thị trường tín dụng xanh đã nhanh hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, trong đó ghi nhận một số trái phiếu xanh do chính quyền địa phương/doanh nghiệp phát hành thí điểm, đặc biệt là trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Một báo cáo của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho biết, trong năm 2021 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại thị trường quốc tế là của BIM Land - trái phiếu xanh (200 triệu USD) và 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn của Tập đoàn Vingroup.
Tháng 7/2022, Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) phát hành thành công trái phiếu xanh tại thị trường trong nước với hơn 1.725 tỷ đồng được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo, áp dụng nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của ICMA và tự nguyện tuân thủ theo tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN.
Liên quan đến các dự án điện gió và điện mặt trời, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ khoảng 180.120 tỷ đồng năm 2017 lên 477.500 tỷ đồng vào tháng 9 năm 2022 - chiếm 4,24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và 5,3% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về trái phiếu xanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Võ Tuấn Nhân lưu ý.
Bên cạnh trái phiếu xanh của TP.HCM phát hành thí điểm và trái phiếu xanh của 2 doanh nghiệp, ngân hàng có quy mô trái phiếu rất nhỏ (dưới 3.000 tỷ đồng).
Công ty chứng khoán SSI thống kê, năm 2020 các doanh nghiệp năng lượng đã phát hành 35.700 tỷ đồng cho dự án năng lượng tái tạo, tăng 274% so năm 2019 (trong số này, riêng cho điện mặt trời tăng 2,75 lần, điện gió tăng 3,5 lần).
Còn theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, con số này là hơn 27.300 tỷ đồng trong năm 2021 và giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.850 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Tính đến năm 2024, một số ngân hàng đã cấp tín dụng xanh cho các dự án đầu tư như: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 98 dự án; Nam Á Bank với một số khách hàng đầu tư hệ thống pin mặt trời; VietinBank, Sacombank, Techcombank với tổng cộng 20 dự án năng lượng tái tạo; TPBank với 3 dự án điện mặt trời tập trung và Eximbank với 2 dự án điện gió và điện mặt trời.
Thái Bình