Sự kiện nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm thành lập Sở Canh nông Hà Nội (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội). Đây là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, đồng thời tôn vinh những nỗ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô trong suốt chặng đường lịch sử đầy tự hào.
Sau khi sáp nhập thêm các địa phương như tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Hà Nội hiện có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, đứng đầu cả nước về sự đa dạng và phong phú. Từ các sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến các mặt hàng ẩm thực, sinh học và chế biến, các làng nghề đã mang lại nguồn thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho Thủ đô.
Một số phối cảnh không gian trưng bày tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024.
Festival năm nay quy tụ hơn 260 đơn vị tham gia, trong đó có 152 đơn vị từ 25 quận, huyện, thị xã của Hà Nội và 116 đơn vị từ 25 tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của 32 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo nên không gian giao lưu, quảng bá sản phẩm rộng lớn.
Lễ khai mạc diễn ra từ 18h - 21h30 ngày 29/11, mở đầu với chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi ngành nông nghiệp, Thủ đô và quê hương đất nước. Các màn trình diễn sẽ tái hiện những câu chuyện lịch sử, văn hóa và truyền thống xây dựng nông thôn Việt Nam, cùng với đó là phóng sự "Ngành nông nghiệp Hà Nội: 70 năm vinh quang, vững bước tương lai" nhằm tôn vinh những thành tựu đáng tự hào của nông dân và cán bộ nông nghiệp Thủ đô.
Festival được tổ chức trên diện tích 15.000 m2 với nhiều khu vực trưng bày đa dạng: từ sản phẩm nông sản, làng nghề tiêu biểu, đến các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sinh vật cảnh, ẩm thực và quà tặng lưu niệm. Khu vực này không chỉ giới thiệu các sản phẩm OCOP mà còn quảng bá các điểm du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn của Hà Nội, góp phần thúc đẩy du lịch xanh bền vững.
Trong khuôn khổ Festival, các hội thảo chuyên đề sẽ diễn ra, bao gồm cuộc họp vào ngày 29/11 nhằm đánh giá chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề như chuỗi cung ứng rau, thịt, nông sản an toàn, cũng như các giải pháp để kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm cho Hà Nội trong tương lai.
Đặc biệt, vào ngày 2/12, hội thảo "Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội" sẽ thảo luận về các mô hình và giải pháp phù hợp để Hà Nội phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả và bền vững.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là chương trình bán hàng qua livestream trên nền tảng Tiktok Việt Nam vào ngày 1/12. Hoạt động này giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm cho 20 đơn vị tham gia Festival, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống kết hợp trình diễn áo dài, những món ăn đặc sản và tinh hoa trà Việt. Những tác phẩm nghệ thuật từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề, những sản phẩm nông sản chất lượng cao với truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ mang đến trải nghiệm khó quên cho du khách.
Linh Nguyễn