Sắp diễn ra Lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam

Sắp diễn ra Lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu sẽ có 20 “ông Cầu” tham gia.
Tương truyền, Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Trong bối cảnh nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, Thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi nay thuộc xã Hải Lựu để tổ chức đánh giặc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia cho tổ chức “đấu ngưu” nhằm động viên quân sĩ và mang lại niềm vui cho dân làng...
Trâu sau khi chọi được mổ thịt để khao quân, động viên quân sĩ hăng hái chống giặc, cứu nước.
Sau khi mất, Lữ Gia được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng làng, trò “đấu ngưu” được lưu truyền thành hội chọi trâu để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội truyền thống chọi trâu xã Hải Lựu cũng bắt đầu từ đó.
Nhân dân trong vùng này vẫn còn lưu truyền câu ca: “Dù ai đi đâu, ở đâu/Tháng Giêng, mười bảy chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Giêng mười bảy thì về chọi trâu”.
Sau một thời gian dài dừng tổ chức, từ năm 2002, lễ hội chính thức được khôi phục. Lễ hội chọi trâu không bán vé để người dân và du khách thập phương đến tham dự.
Những “ông Cầu” tham gia thi đấu dù thắng hay thua đều được giết thịt để du khách, người dân trong vùng khi ra về ít nhiều đều mua được thịt trâu chọi, xem đó là món lộc may mắn đầu Xuân.
Năm nay, Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu được tổ chức phần Lễ vào ngày 15 tháng Giêng (gồm các nghi lễ tại Thành hoàng làng, lễ hiến sinh...) và phần Hội (chọi trâu) diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng.
Tham gia Lễ hội Chọi trâu Xuân Ất Tỵ năm 2025, cũng như mọi năm sẽ có 20 “ông Cầu” đến từ các thôn dân cư và các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã tham gia tranh tài.
Để công tác tổ chức Lễ hội diễn ra chu đáo, chính quyền địa phương đã xây dựng Kế hoạch, lên chương trình, phương án tổ chức lễ hội đảm bảo nghiêm túc, an toàn và ý nghĩa.
Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, có đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia, xác định rõ nhiệm vụ tổ chức phần Lễ với đầy đủ các nghi thức tế Thành hoàng làng thể hiện sự linh thiêng cao đẹp, bảo tồn vốn quý của dân tộc; phần Hội tạo không khí tưng bừng của lễ hội mùa Xuân.
Long Anh - Minh Sơn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/sap-dien-ra-le-hoi-choi-trau-co-nhat-viet-nam-post719040.html