Sắp hầu tòa phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết khắc phục thêm 353 tỷ đồng

Sắp hầu tòa phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết khắc phục thêm 353 tỷ đồng
4 giờ trướcBài gốc
Báo Đại đoàn kết đưa tin, ngày 26/12 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và nhiều bị cáo, bị hại trong vụ án.
Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC kháng cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt và trách nhiệm dân sự.
2 em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, cũng có đơn xin tương tự như anh trai hoặc không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn, cùng nhiều bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường, xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên sơ thẩm.
Theo báo Giao thông, trước khi phiên tòa diễn ra, vào ngày 13/12, vợ ông Trịnh Văn Quyết đã nộp 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19/12, người nhà nộp thêm 150 tỷ đồng.
Tại giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết được ghi nhận bồi thường, khắc phục 237 tỷ đồng. Như vậy, đến nay tổng số tiền mà ông này đã bồi thường, khắc phục hậu quả là 590 tỷ đồng.
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm kết luận, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty. Sau đó, họ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu.
Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho Công ty Xây dựng FLC Faros, từ 1,5 tỷ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Theo bản án đã tuyên, ông Quyết bị buộc bồi thường cho các nhà đầu tư (người bị hại) tổng cộng hơn 1.300 tỷ, đồng thời bị truy nộp 500 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, khi được nói lời sau cùng, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, ông luôn có những hoài bão và ước mơ phát triển các lĩnh vực: sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định được xã hội ghi nhận, đánh giá cao cũng như thay da đổi thịt những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.
Tuy nhiên, tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, ông đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Ông Quyết nói bản thân rất hối hận vì trong suốt quãng đời doanh nhân hơn 20 năm của mình, cho dù ông đã luôn nỗ lực, cố gắng thì ông cũng không thể thay đổi một sự thật là, nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp của ông, những người vì tin tưởng ông mà rơi vào vòng lao lý.
Với hành vi nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết bị HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên 21 năm tù. 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga bị Tòa tuyên lần lượt là 14 năm tù và 8 năm tù.
Quốc Tiệp (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/sap-hau-toa-phuc-tham-ong-trinh-van-quyet-khac-phuc-them-353-ty-dong-204241221102707787.htm