Lâu nay tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ đã có nhiều cảnh báo, song một phần do công tác quản lý của các cơ quan nhà nước chưa chặt chẽ, một phần do nhận thức của người dân về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Những điểm mới của Thông tư số 26 tưởng nhỏ nhưng hoàn toàn không nhỏ và được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng, hiệu quả tích cực.
Gần 30 năm trước, mấy anh em chúng tôi mở một nhà thuốc ở gần chợ Phước Tân, khi ấy thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi có thỏa thuận: một - chỉ bán thuốc theo đơn; hai - nếu bán kháng sinh phải bán đủ liều, đủ thời gian, thường là 5 ngày. Đa số người dân chỉ cần ho, hắt hơi, sổ mũi ra tiệm đều đòi mua thuốc kháng sinh và thường mua chỉ 1 đến 2 lần uống. Đầu tiên tôi cũng cố gắng giải thích cho họ tác hại của việc dùng thuốc kháng sinh không đủ liều sẽ gây nhờn thuốc, kháng thuốc sau này, nhất là nếu không may người bệnh gặp những căn bệnh hiểm nghèo cần sử dụng kháng sinh liều cao. Cũng có người nghe theo, nhưng đa phần không đồng ý và cự lại rằng “nhà thuốc này kỳ quá, người ta mua thì cứ bán, chỉ được cái nhiều chuyện”.
Nhiều anh chị em công nhân và bà con, nhất là ở vùng gần đó thường thích đi “truyền nước biển”. Không biết họ rỉ tai nhau ra sao mà “nước biển” đã biến thành “thần dược” làm cho người bệnh khỏe ngay. Đau đầu: truyền dịch, ho: truyền dịch, sốt: truyền dịch… nói chung cứ thấy trong người hơi khó chịu là đến nhà thuốc hoặc cơ sở y tế đòi truyền “nước biển”. Chúng tôi thường tư vấn trước các yêu cầu này rằng thực ra tác dụng của nó không như mọi người nghĩ và chỉ nên truyền đối với những trường hợp người bệnh cần bù nước, điện giải, không ăn uống được (tùy loại dịch truyền). Những trường hợp vẫn uống nước, tự ăn thì không nên truyền bởi có thể sẽ gặp nguy hiểm. Và, chúng tôi lại bị “cự” tiếp.
Kết quả cuối cùng: chúng tôi đã sang tiệm thuốc ấy cho người khác và chủ sau của nhà thuốc hiện làm ăn rất phát đạt.
Kể từ khi được nhà sinh học người Scotland là Alexander Fleming tìm ra năm 1928, thuốc kháng sinh đã trở thành “thần dược” cứu sống hàng triệu người bị bệnh nhiễm trùng trên trái đất mỗi năm. Trong thực tế, những loại bệnh như sổ mũi, nhức đầu, ho húng hắng… nhiều khi không phải do vi khuẩn mà do vi rút (hay còn gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng) gây ra. Trong cơ thể mỗi người khỏe mạnh bao giờ cũng có hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… Do đó, đối với những người khỏe mạnh đa phần nhiễm vi rút (trừ vi rút gây suy giảm khả năng miễn dịch như HIV chẳng hạn) đều có thể tự khỏi trong thời gian nhất định. Vì vậy đối với những người nhiễm các loại siêu vi này, kháng sinh không có tác dụng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục đưa ra những cảnh báo về thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, không đúng cách hiện nay sẽ làm vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, từ đó xuất hiện tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc. Đặc biệt nguy hiểm hơn là dùng kháng sinh bừa bãi và không đúng cách còn dẫn đến sự đột biến gien trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh và có thể làm xuất hiện chủng vi khuẩn mới kháng lại những kháng sinh mà bệnh nhân đã sử dụng trước đó. Đây là điều hết sức nguy hiểm nếu không may người bệnh bị nhiễm trùng nặng sẽ rất khó khăn trong điều trị. Đâu đó đã vang lên những tiếng nói cảnh báo khẩn thiết về kỷ nguyên “hậu kháng sinh”.
Bởi tác hại khôn lường của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách nên các bác sĩ và hầu như trên tất cả các trang website của những bệnh viện đều có cảnh báo và chỉ dẫn nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh. Theo đó, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn; chọn đúng loại kháng sinh; sử dụng kháng sinh ra sao phải căn cứ vào cơ địa, thể trạng của từng người bệnh; sử dụng đúng cách, đúng liều; đủ thời gian (thông thường không dưới 5 ngày); chỉ sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết; chỉ có những trường hợp đặc biệt, dưới sự chỉ dẫn nghiêm ngặt của bác sĩ mới cho dùng kháng sinh phòng ngừa.
Kháng sinh là thuốc phải bán theo đơn, nhưng ở Việt Nam mua thuốc kháng sinh còn dễ hơn cả mua rau. Vì vậy, Thông tư 26 của Bộ Y tế sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng mua và sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh. Tất nhiên, ngoài phần việc của các cơ quan quản lý nhà nước, thiết nghĩ giải pháp căn bản nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thuốc kháng sinh.
Vũ Trung Kiên