Ông Phạm Công Toản, quyền Chủ tịch UBND thị xã Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, sau hơn 3 tháng thị xã mới này đi vào hoạt động.
Cử tri đồng thuận, tạo ra những cơ hội mới
- Thị xã Chũ chính thức đi vào vận hành từ 1/1/2025 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của 10 xã, thị trấn. Việc sáp nhập các xã và thành lập thị xã mới tác động ra sao tới tiềm năng kinh tế của khu vực và người dân đón nhận như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Công Toản: Việc xây dựng các xã đạt tiêu chí đô thị, đủ tiêu chuẩn để lập đề án, trình cấp có thẩm quyền xét công nhận các xã, thị trấn trở thành phường thuộc thị xã Chũ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo sâu sát, được cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn cũ chủ động triển khai quyết liệt từ nhiều năm trước.
Ông Phạm Công Toản, quyền Chủ tịch UBND thị xã Chũ (Ảnh: Lan Anh)
Đặc biệt, được đẩy mạnh khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/7/2022 về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, trong đó định hướng điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn, huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới).
Chủ trương thành lập các phường, xã thuộc thị xã Chũ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận rất cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn toàn huyện Lục Ngạn (cũ) ngày 21/4/2024 đạt tỷ lệ 99,47% tổng số cử tri đồng thuận. Việc thành lập bộ máy hành chính, công tác cán bộ, bố trí trụ sở làm việc và các điều kiện cần thiết của đơn vị hành chính thị xã Chũ đã được chủ động chuẩn bị ngay từ năm 2024.
Vì vậy, từ khi thị xã Chũ chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025 đến nay, cơ bản không gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân diễn ra bình thường, ổn định.
Về tầm nhìn và kỳ vọng, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các tiềm năng thế mạnh, các yếu tố đặc trưng riêng có, tỉnh Bắc Giang định hướng khi được thành lập, thị xã Chũ sẽ có vai trò là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Đông của tỉnh Bắc Giang, tạo động lực phát triển cho vùng về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, hậu cần vận tải (logistics), lâm nghiệp..., hướng tới trở thành đô thị loại III - thành phố sinh thái nông - công nghiệp và du lịch của tỉnh.
Việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị tạo ra những cơ hội mới cho các thành phần kinh tế, là điều kiện thực tế mới để các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, vừa thích ứng, vừa phát triển.
Sắp xếp bộ máy, cán bộ đảm bảo chặt chẽ
- Thị xã đã có kế hoạch gì để phát triển hạ tầng đô thị phù hợp với vị thế mới, đồng thời, những ngành kinh tế nào sẽ được ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, thưa ông?
Ông Phạm Công Toản: Việc phát triển hạ tầng đô thị thị xã Chũ đã được quy hoạch bài bản trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang, Quy hoạch chung đô thị Chũ, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đề án xây dựng đô thị Chũ đạt chuẩn đô thị loại IV, chương trình phát triển đô thị Chũ, quy chế quản lý kiến trúc và các quy hoạch, kế hoạch chuyên đề về phát triển hạ tầng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiệm vụ của thị xã Chũ sau khi thành lập là từng bước triển khai cụ thể hóa các quy hoạch, chương trình, đề án nêu trên thông qua các kế hoạch theo lộ trình giai đoạn và hằng năm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và đẩy mạnh huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư toàn xã hội cho phát triển đô thị Chũ.
Theo Quy hoạch chung đô thị Chũ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 82/QĐ-Ttg ngày 18/1/2024, về định hướng chiến lược đô thị Chũ sẽ là trung tâm vùng phía Đông và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao, đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Đồng thời, là đô thị phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và là trung tâm dịch vụ hậu cần vận tải (logistics), công nghiệp kho vận và dịch vụ xuất khẩu khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang.
- Xin ông chia sẻ việc sắp xếp nhân sự hành chính và quá trình xử lý tài sản công, hồ sơ, dữ liệu sau sáp nhập đã được triển khai như thế nào và có gặp khó khăn gì không?
Ông Phạm Công Toản: Việc sắp xếp bộ máy chính quyền, công tác cán bộ của thị xã Chũ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có kế hoạch, đảm bảo chặt chẽ.
Đối với chính quyền các xã, phường thuộc thị xã Chũ, được tổ chức trên cơ sở chuyển nguyên trạng bộ máy và cán bộ, công chức của chính quyền xã, thị trấn cũ thuộc huyện Lục Ngạn, nên không có sự xáo trộn.
Đối với bộ máy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức của thị xã đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh bố trí, sắp xếp từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lao động của huyện Lục Ngạn cũ và một bộ phận từ huyện Yên Dũng, thành phố Bắc Giang điều chuyển lên.
Công tác xử lý, chuyển giao tài sản công, hồ sơ, tài liệu cũng được thực hiện đồng thời, do vậy cơ bản đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng để bộ máy chính quyền thị xã Chũ kịp thời vận hành hoạt động.
Do vậy, ngay từ khi thành lập thị xã Chũ, các thủ tục hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn được ưu tiên tổ chức triển khai ngay từ đầu tháng 1/2025, không để xảy ra gián đoạn.
- Thị xã Chũ là một trong những đơn vị hành chính đã có kinh nghiệm từ việc sáp nhập các xã. Từ đó, ông có nhận định gì về quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đang được đẩy mạnh hiện nay trên cả nước?
Ông Phạm Công Toản: Đây là chủ trương lớn, có tính chất “cách mạng”, được Đảng, Nhà nước quyết tâm triển khai thực hiện. Do đó, cán bộ, nhân dân trên địa bàn thị xã đều đồng tình, ủng hộ cao. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền của thị xã đã chủ động triển khai thực hiện các bước chuẩn bị theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng, việc tổ chức lại mô hình đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy được những ưu điểm lớn, những thành quả và sứ mệnh lịch sử của mô hình hiện tại đã làm được.
Đồng thời, tạo ra xung lực, động lực thực sự mới có tính chất “cách mạng” để thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm toàn ý cống hiến trong công tác, vì mục tiêu phát triển kinh tế và vị thế của đất nước cũng như mỗi địa phương. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị quyết 1191/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2025, từ 1/1/2025, tỉnh Bắc Giang chính thức thành lập thị xã Chũ trên cơ sở diện tích tự nhiên là 251,55 km2 và quy mô dân số 127.881 người của 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Lục Ngạn, gồm thị trấn Chũ và các xã: Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Thanh Hải, Trù Hựu.
Quỳnh Nga - Lan Anh (thực hiện)