Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo khổng lồ

Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo khổng lồ
6 giờ trướcBài gốc
Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên Khánh Hòa. Trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại TP Nha Trang.
Sau sáp nhập, tỉnh mới có diện tích hơn 8.555km2, dân số hơn 2,2 triệu người, gồm 64 đơn vị hành chính cấp xã và một đặc khu là huyện đảo Trường Sa.
Tuyến đường ven biển kết nối tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ảnh: Xuân Ngọc
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc hợp nhất là một chiến lược phát triển dài hạn, nhằm khai thác tối đa tiềm năng bổ trợ giữa 2 tỉnh, tiến tới hình thành trung tâm kinh tế biển, năng lượng và du lịch quy mô quốc gia.
“Trái tim điện sạch” của quốc gia
Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về nuôi biển công nghệ cao với các vịnh chiến lược như Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh. Tỉnh đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD từ kinh tế biển vào năm 2025. Ngoài ra, địa phương còn sở hữu nhiều vùng nông nghiệp chất lượng cao với các mặt hàng xuất khẩu như xoài, mít, sầu riêng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc
Trong khi đó, Ninh Thuận là vùng có thế mạnh về năng lượng tái tạo, với khí hậu khô hạn đặc trưng, thuận lợi cho nông nghiệp xanh như trồng nho, táo, măng tây và quy tụ nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời quy mô lớn.
“Từ cơ sở đó, tỉnh Khánh Hòa mới được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm kinh tế biển và trung tâm du lịch tầm cỡ. Đây là 3 mũi nhọn phát triển rõ ràng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số là hoàn toàn trong tầm tay”, ông Tuân nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khi tỉnh mới được hình thành cũng cần có sự hỗ trợ từ Trung ương để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với mô hình mới.
Đồng thời, đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược nối vùng và các cảng biển chiến lược. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị về các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư trọng điểm cho kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên và du lịch biển đảo.
Khánh Hòa và Ninh Thuận khi về "chung một nhà" có thế mạnh phát triển kinh tế biển. Ảnh: Xuân Ngọc
Ngoài những điểm lợi thế trên, Khánh Hòa và Ninh Thuận về “chung một nhà” không chỉ là tỉnh lớn về quy mô, mà được xem là “trái tim điện sạch” của quốc gia, góp phần quan trọng vào cam kết giảm phát thải, phát triển xanh và xây dựng nền kinh tế bền vững trong tương lai.
Minh chứng cho điều đó, đến cuối năm 2024, tỉnh Ninh Thuận thống kê, có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 667 MW đã vận hành thương mại; 37 dự án điện mặt trời được cấp phép đầu tư, tổng công suất 2.576 MW, trong đó 34 dự án đã phát điện, đạt 2.376 MW thực tế. Ngoài ra, đây là địa phương duy nhất tính đến nay đã quy hoạch 5 khu vực điện gió ngoài khơi, với công suất tiềm năng vượt 5.000 MW.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất điện tái tạo của Ninh Thuận sẽ đạt 26.500 MW, đóng góp khoảng 16% GRDP toàn tỉnh, khẳng định vị thế "thủ phủ năng lượng sạch" của cả nước.
Về phía Khánh Hòa, có khoảng 9 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 580,6 MWp, được đưa vào hoạt động. Tại các buổi làm việc với Bộ Công Thương, tỉnh đã kiến nghị bổ sung 13 dự án năng lượng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, gồm: Điện gió trên bờ và gần bờ; điện khí LNG; điện rác sinh hoạt; thủy điện tích năng.
Hai dự án trọng điểm được Khánh Hòa đặc biệt quan tâm và đề xuất Trung ương hỗ trợ triển khai là Điện khí LNG Vân Phong 2 do tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư - định hình vai trò trung tâm khí hóa lỏng và xuất khẩu năng lượng. Dự án khác Thủy điện tích năng Khánh Vĩnh (Bitexco) - được kỳ vọng là "pin lưu trữ năng lượng" chiến lược phục vụ truyền tải điện tái tạo toàn vùng.
Cánh đồng điện gió dọc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, qua tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Xuân Ngọc
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã có buổi làm việc tại TP Nha Trang để thống nhất các nội dung then chốt trong đề án hợp nhất. Ban Thường vụ 2 tỉnh đã đồng thuận cao về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Các nội dung quan trọng như định hướng bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, kết nối giao thông liên tỉnh, cùng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau sáp nhập… cũng đã được thảo luận kỹ lưỡng.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa mới xác định 3 trụ cột chiến lược: Công nghiệp công nghệ cao, du lịch biển đẳng cấp quốc tế và năng lượng tái tạo bền vững - những lĩnh vực không chỉ phù hợp với tiềm năng tự nhiên mà còn bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành. Ảnh: Xuân Ngọc
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là phải hoạch định được chiến lược phát triển rõ ràng cho tỉnh sau sáp nhập.
Ba đột phá chiến lược được xác định là: Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển chất lượng và trung tâm năng lượng sạch. Những mũi nhọn này không chỉ dựa trên tiềm năng sẵn có, mà còn phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia.
Dự thảo định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030 nêu rõ, Khánh Hòa phải trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước và sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; tăng trưởng kinh tế phải duy trì ở mức 2 con số, thể hiện quyết tâm bứt phá mạnh mẽ.
Xuân Ngọc
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sap-nhap-khanh-hoa-ninh-thuan-hinh-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao-khong-lo-2394209.html