Sáp nhập là cơ hội để ngành y tế TP.HCM phát triển

Sáp nhập là cơ hội để ngành y tế TP.HCM phát triển
9 giờ trướcBài gốc
Sở Y tế TP.HCM nhận định sáp nhập là cơ hội để ngành y tế TP tái cấu trúc toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng vùng phục vụ. Trong đó, thách thức lớn nhất là vừa tổ chức lại bộ máy, vừa không làm gián đoạn chuyên môn từ tiêm chủng, khám chữa bệnh đến phòng chống dịch.
Thách thức về giường bệnh cho hơn 14 triệu dân
BS CKII Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau sáp nhập, hệ thống y tế TP.HCM tăng từ 132 bệnh viện (BV) lên 164 BV (công và tư, bộ, ngành).
TP.HCM có 38 trung tâm y tế khu vực, 168 trạm y tế, 11 trung tâm không giường bệnh (sẽ hợp nhất các trung tâm có chức năng tương đương), 110 trung tâm bảo trợ xã hội (15 cơ sở công), 10.627 phòng khám chuyên khoa, 417 phòng khám đa khoa, 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc.
Bệnh nhân khám chữa bệnh ở BV Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Số giường bệnh tăng từ 41.000 lên 49.700 (tư nhân chiếm 15%). Như vậy, với hơn 14 triệu dân, số giường bệnh của TP.HCM giảm từ 42 giường bệnh/vạn dân giảm xuống còn 35,1. Đây là thách thức lớn mà TP.HCM phải đầu tư.
BS Nam cho hay, trong số 168 trạm y tế của TP.HCM, có 125 trạm sẽ được nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế (trên 500 m²), hoạt động như “bệnh viện mini” với đầy đủ khoa phòng.
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM đổi tên 24 BV cho phù hợp với đơn vị hành chính mới, đồng thời rà soát, lập kế hoạch hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho các cơ sở y tế.
“Hệ thống y tế TP.HCM sau hợp nhất đối mặt với thách thức lớn về quy mô dân số, diện tích và tỉ lệ giường bệnh/vạn dân. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sự hỗ trợ của Bộ Y tế và định hướng tinh gọn, đổi mới, chúng tôi cam kết đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân” - BS Nam nói.
Cũng theo BS Nam, sau sáp nhập, tổng số dự án đầu tư công cho ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng từ 48.549 tỉ đồng lên 52.424 tỉ đồng (trong đó các địa phương trước sáp nhập như TP.HCM 115 dự án, Bình Dương 31 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu 8 dự án).
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM cũng xác định một trong các vấn đề cần tập trung tháo gỡ là các dự án xây dựng mới, kế hoạch sử dụng và các dự án còn vướng mắc. Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, thực tế đã có nhiều công trình BV phát huy hiệu quả, nhưng cạnh đó vẫn có công trình chậm đưa vào sử dụng vì nhiều lý do.
Đơn cử, hiện còn tồn đọng một số dự án đầu tư công, vì một số nguyên nhân như nhà thầu đang khó khăn tài chính gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, hay dự án đang bị điều tra, khởi tố nên chưa thực hiện được nội dung kiểm toán nội bộ, chưa ban hành báo cáo kiểm toán.
“Do đó, ngành y tế kiến nghị lãnh đạo TP sớm có giải pháp căn cơ để ngành y tế TP.HCM quản lý tốt các dự án đầu tư công” - BS Nam chia sẻ.
Tăng cường chuyên môn, đẩy mạnh số hóa
Sau hợp nhất, trọng tâm của ngành y tế TP là đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế chất lượng cho hơn 14 triệu dân trên địa bàn. Vì vậy, BS Nam cho rằng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm được ngành y tế xây dựng dựa trên bối cảnh mới, đòi hỏi sự sáng tạo và nỗ lực vượt bậc.
Bệnh nhân chạy thận tại BV Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo đó, ngành y tế TP sẽ tinh gọn bộ máy và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực từ cơ sở, đặc biệt hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm y tế Quân dân y Côn Đảo. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là các khu vực xa trung tâm.
Ngành y tế tiếp tục triển khai phần mềm khám chữa bệnh điện tử và đơn thuốc điện tử, hướng tới số hóa toàn bộ quy trình khám bệnh - điều trị tại BV.
Song song đó, tăng cường đào tạo chuyên môn từ tuyến cơ sở đến chuyên sâu, phối hợp với các bệnh viện Trung ương, BV chuyên khoa nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng dịch vụ y tế.
Về y tế vệ tinh, ngành y tế TP.HCM sẽ mở rộng thêm các trạm/phòng khám vệ tinh trên địa bàn để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Cùng với đó, tập trung đào tạo sơ cấp cứu ban đầu trước các tình huống khẩn cấp nhằm giảm thiểu nguy cơ và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cuối cùng, ngành y tế xác định vai trò giám sát, thanh tra pháp chế là rất quan trọng, đặc biệt trong việc kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và báo cáo dữ liệu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế phát triển. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố trong thời gian tới để hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân” - BS Nam nói.
THẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/sap-nhap-la-co-hoi-de-nganh-y-te-tphcm-phat-trien-post860282.html