Sáp nhập tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên: Cung đường nào kết nối hai tỉnh gần nhất?

Sáp nhập tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên: Cung đường nào kết nối hai tỉnh gần nhất?
6 giờ trướcBài gốc
Theo ghi nhận, quốc lộ 29 (QL29) là tuyến đường chính và cung đường ngắn nhất, thuận tiện nhất nối liền khu vực miền Trung và Tây Nguyên với chiều dài 293km, quy mô cấp III - IV, 2-4 làn xe. QL29 có điểm đầu tại cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) và điểm cuối tại cửa khẩu Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk).
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tuyến QL29 là tuyến kết nối khu vực Duyên hải miền Trung (Phú Yên) với Tây Nguyên (Đắk Lắk), kết nối với các trục giao thông trọng yếu quan trọng của quốc gia như: Tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, QL1, cao tốc Bắc - Nam, Trường Sơn Đông, QL14, QL14C, các tuyến tỉnh lộ của Phú Yên - Đắk Lắk và đi qua khu kinh tế Nam Phú Yên, qua địa giới hành chính 8 huyện, thị xã trên địa bàn Đắk Lắk.
Đồng thời, kết nối dọc theo hệ thống cảng cạn trên hành lang vận tải QL29, kết nối cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, đường sắt, cửa khẩu liên thông khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tuy nhiên, QL29 hiện nhiều đoạn tuyến mặt đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, kết cấu mặt đường còn thấp, chưa đồng bộ. Kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông nhựa được đầu tư đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay đang xuống cấp, hư hỏng.
Được coi là tuyến đường chính nhưng QL29 khá nhỏ hẹp, xuống cấp nên các phương tiện lưu thông, kết nối giữa hai tỉnh rất ít, đặc biệt là vận tải hành khách. Theo lãnh đạo Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, tuyến vận tải hành khách Đắk Lắk đi Phú Yên hiện chỉ có 1 đơn vị khai thác với 4 đầu phương tiện, mỗi ngày 2 chuyến đi và về.
Nhằm tạo động lực liên kết giữa các vùng kinh tế, địa phương của hai tỉnh và khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên đã họp, thống nhất và có văn bản trình Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng QL29.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trương Công Thái cho biết, tuyến QL29 kết nối Đắk Lắk và Phú Yên dài khoảng 180km, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe. Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương.
Theo đó, phương án được định hướng là đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn từ Km 31+300 (giao QL1, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đến điểm giao QL14 (tại Km 178+062, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), với tổng chiều dài tuyến gần 147km. Quy mô đầu tư đường cấp III, vận tốc thiết kế 60-80km/h, 4 làn xe, nền đường rộng 20,5m.
Tuyến QL29 được nâng cấp, cải tạo sẽ thuận lợi trong đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội hai địa phương. Việc hợp nhất hai tỉnh mở ra cơ hội kết nối một vùng kinh tế nông nghiệp với các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của Đắk Lắk với địa phương có thế mạnh về kinh tế biển như Phú Yên.
Dự kiến, sau khi hai tỉnh sáp nhập có khoảng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu di chuyển từ TP Tuy Hòa (Phú Yên) đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và ngược lại. Dự kiến, sẽ thuê phương tiện vận chuyển đưa đón cán bộ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/tháng bằng ngân sách tỉnh năm 2025 và Trung ương hỗ trợ.
Ngọc Hùng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/sap-nhap-tinh-dak-lak-phu-yen-cung-duong-nao-ket-noi-hai-tinh-gan-nhat-192250422092119758.htm