Việc sáp nhập các tỉnh thành đều tính đều yếu tố mở rộng không gian hướng biển . (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW đưa ra danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị-hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập.
Theo danh sách sáp nhập tỉnh mới, nhiều tỉnh thành đã được mở rộng địa giới hành chính hướng ra biển. Chẳng hạn như thành phố Cần Thơ được hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; tỉnh Hải Dương hợp nhất với thành phố Hải Phòng; hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình...
Đặc biệt, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng được sáp nhập theo hướng các tỉnh miền núi sẽ có biển và các tỉnh có biển sẽ có núi. Theo danh sách, tỉnh Kon Tum sẽ hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi; hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định; hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên; hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận...
Mở rộng không gian các tỉnh hướng biển
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết Việt Nam là một quốc gia biển với đường bờ biển dài, có vùng biển rộng lớn. Vậy nên phát triển hướng biển vẫn là một định hướng lớn, định hướng chiến lược. Việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo chủ trương hướng biển thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm đều có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.
Chính vì yếu tố hướng biển vô cùng quan trọng, Bộ Nội vụ đã đề xuất sắp xếp các địa phương theo hướng kết nối các tỉnh, thành nằm sâu trong nội địa, chưa có không gian biển với địa bàn duyên hải miền Trung. Trong các phương án đề xuất sắp xếp tỉnh thành, Bộ Nội vụ đều cân nhắc yếu tố phát triển hướng biển nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương không chỉ là quy mô, diện tích mà còn đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài.
Theo ông Phan Trung Tuấn, Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển, trong đó khu vực Nam Trung Bộ sở hữu nhiều cảng biển nước sâu như Cam Ranh, Vân Phong... Đây là những lợi thế chiến lược cho phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế.
Sáp nhập tỉnh theo hướng tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ hình thành trục kết nối Đông-Tây, kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên. Sự kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững và hiệu quả.
Ông Phan Trung Tuấn cho biết các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong lần sáp nhập tỉnh được định hướng sắp xếp gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước. Việc đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy thì sẽ tạo nên sự tương hỗ trong phát triển.
Việc vận hành này cũng hỗ trợ các tỉnh ven biển, có mối tương hỗ với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài sự tương hỗ trong xuất khẩu còn có thể phát triển thế mạnh du lịch của địa phương.
Thành phố Cần Thơ bình yên trong những ngày cuối năm 2024. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Tại Cần Thơ, địa phương này trong 50 năm qua đã trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập và lần này được hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh việc Cần Thơ sáp nhập với tỉnh có biển sẽ tạo ra cơ hội bước ngoặc cho Cần Thơ. Cần Thơ sẽ có điều kiện vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới, tác động lớn đến sự phát triển của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Cần Thơ là địa phương hoàn toàn nằm ở vùng đồng bằng, không giáp biển. Hiện nay, Cần Thơ có cảng biển là cảng Cái Cui, được xem là cảng lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng cách cửa biển Định An cả trăm cây số. Cửa biển lại bồi lắng hàng năm, tàu lớn ra vào rất khó, mỗi năm nạo vét tốn kém cả trăm tỷ đồng. Nếu như sáp nhập Cần Thơ với một tỉnh có biển thì sẽ là lợi thế rất lớn, tạo thuận lợi rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, liên vận quốc tế.
Nếu có biển, Cần Thơ không chỉ có lợi thế về giao thông mà còn có thể phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển hệ sinh thái ven biển, du lịch biển gắn kết với đồng bằng sinh thái, logistics... Đây đều là nguồn lực rất lớn, nếu có biển sẽ có sự phát triển rất mạnh mẽ.
Mọi hành lang phía Tây đều có đích đến là biển
Phân tích kỹ hơn về trục phát triển Đông-Tây khi các địa phương sáp nhập, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng Việt Nam với hình chữ S đặc thù trải dài trên 14 độ vĩ tuyến, cần phải phát triển không chỉ trên trục Bắc-Nam mà còn mở rộng ra các trục ngang Đông-Tây.
Theo ông Trần Ngọc Chính, trục Bắc-Nam là “huyết mạch” chủ đạo của quốc gia, nhưng trục Đông-Tây lại đóng vai trò quan trọng không kém trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi núi non và rừng già, việc kết nối giữa các tỉnh miền núi và duyên hải sẽ thúc đẩy kinh tế và tăng cường năng lực phòng thủ.
Những sản phẩm nông sản của khu vực Tây Nguyên sẽ thuận lợi hơn khi vươn xa ra các thị trường quốc tế trong thời gian tới. (Ảnh: TTXVN)
Ông Trần Ngọc Chính tin rằng với sự hỗ trợ và liên kết giữa các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định… với Tây Nguyên, không chỉ kinh tế được thúc đẩy mà năng lực phòng thủ, di chuyển quân sự, bảo vệ an ninh quốc gia cũng được tăng cường đáng kể.
Với việc sáp nhập, ông Trần Ngọc Chính nhận định Việt Nam không chỉ có trục dọc Bắc-Nam là “xương sống” phát triển mà còn có các trục ngang Đông-Tây "chia lửa" tạo nên bộ khung giao thông vững chắc. Việc phát triển các trục kết nối từ trung tâm ra biển sẽ tạo thành mạng lưới lan tỏa, nơi mọi tuyến hành lang phía Tây đều có đích đến là biển, một yếu tố quan trọng trong tổ chức không gian phát triển tổng thể quốc gia.
Ông Chính cũng nhấn mạnh không gian phát triển tổng thể quốc gia cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa các tuyến hành lang phía Tây và biển. Việt Nam hiện sở hữu các cảng biển mang tầm quốc tế, như cảng Hải Phòng, Thị Vải-Cái Mép, và Cam Ranh, với năng lực xử lý hàng hóa lớn. Những cảng biển nước sâu này là điều kiện then chốt để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời gia tăng vị thế quốc gia./.
(Vietnam+)