Hào hứng đón nhận vận hội lớn
Trần Quang Huy, hiện đang là sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ sự hứng khởi trước việc sáp nhập tỉnh, thành. Với Huy, đây là cơ hội lớn để đất nước nói chung và các địa phương đang trong quá trình phát triển nói riêng có thể bứt phá. Huy lấy ví dụ về việc nhiều tỉnh thành trước đây không có lợi thế phát triển kinh tế biển, nhưng sau khi sáp nhập có thể lần đầu tiên khai thác tiềm năng này.
Cụ thể như việc Hà Nam, Nam Định sáp nhập với Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới, sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển cho vùng đất vốn chỉ mạnh về nông nghiệp và công nghiệp nhẹ:
"Điều này sẽ giúp tăng trưởng mạnh hơn về mặt kinh tế cho các tỉnh”, Huy nhận định. Bên cạnh đó, việc sáp nhập còn bổ sung thêm nguồn nhân lực dồi dào cho mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục đào tạo đến phát triển văn hóa.
Quang Huy thể hiện sự lạc quan và tin tưởng vào những cơ hội phát triển mới.
"Mình rất hào hứng với sự đổi mới này. Bởi mình tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin vào những chính sách phát triển đổi mới của bộ máy chính quyền Việt Nam”, Huy chia sẻ. Là một sinh viên, nam sinh ý thức được trách nhiệm của mình là không ngừng trau dồi kiến thức về mọi lĩnh vực, giữ vững quan điểm cách mạng và tin vào đường lối của Đảng.
Huy kỳ vọng việc sáp nhập các tỉnh thành sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và làm việc hơn cho người trẻ, bởi sự mở rộng về mặt địa lý sẽ tạo không gian cho các trường học, cơ quan hay nhà máy xí nghiệp phát triển, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và cộng đồng.
Là một người con của quê hương Nam Định cũ, Huy không khỏi có chút bồi hồi vì được sinh ra và lớn lên với cái tên đã gắn bó với bao kỷ niệm. Cậu cũng có một chút buồn khi nghĩ rằng những thế hệ trẻ sau này có thể sẽ biết đến quê mình thông qua một tên gọi mới:
"Dù vậy, mình vẫn sẽ cố gắng lưu giữ và có thể chia sẻ với mọi người về mảnh đất học Thành Nam cũ”, Huy tâm sự. Cậu cho rằng, cảm xúc hoài niệm là điều hoàn toàn hợp lý khi tiếp nhận một thứ gì đó mới mẻ.
Tuy nhiên, Huy tin rằng văn hóa địa phương hay những phong tục truyền thống sẽ vẫn tồn tại nếu được tôn vinh và truyền bá bởi chính những người con quê hương: "Chỉ cần chúng ta có niềm tin, có tình yêu mãnh liệt thì dù bao nhiêu năm đi nữa, bản sắc địa phương vẫn mãi còn đấy”, Huy khẳng định với niềm tin sắt đá.
Thế hệ trẻ sẵn sàng cống hiến
Trần Thị Giang, 21 tuổi, đến từ Lý Nhân, Hà Nam cũ (nay là Ninh Bình sau sáp nhập với Nam Định và Ninh Bình), có những góc nhìn cụ thể hơn về lợi ích của việc sáp nhập. Đối với Giang, việc này giúp tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm số lượng cán bộ, cơ quan hành chính trung gian, từ đó tiết kiệm ngân sách. Không chỉ vậy, việc sáp nhập các địa phương còn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt với địa phương Giang, việc sáp nhập có thể giúp mở rộng thị trường, tận dụng thế mạnh bổ trợ như công nghiệp, du lịch, và nguồn nhân lực dồi dào.
Với tư cách là một người trẻ và là sinh viên báo chí, Giang tin rằng mình có thể đóng góp bằng chính sự chủ động, tinh thần học hỏi và sáng tạo. Nữ sinh sẵn sàng là người truyền tải thông tin đúng đắn, giúp người thân, bạn bè hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc sáp nhập, tránh hoang mang hay tin giả. Ngoài ra, Giang cũng sẵn lòng tham gia các hoạt động tình nguyện, chương trình hỗ trợ chính quyền địa phương trong truyền thông.
Dù có chút bồi hồi về cái tên "Hà Nam" đã gắn bó, Giang vẫn kỳ vọng vào một tương lai phát triển và hiện đại hơn của quê hương mới.
Giang nhận thấy khi tỉnh lớn mạnh hơn, công nghệ cũng sẽ phát triển theo, giúp người trẻ như cô không cần phải rời xa quê hương mà vẫn có thể học tập, làm nghề, sống ổn định và cống hiến lâu dài. Cô gái trẻ cảm thấy tự hào và kỳ vọng khi quê hương mình có thể bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và hiện đại hơn. Tuy nhiên, Giang không giấu được sự hụt hẫng khi cái tên "Hà Nam" đã gắn bó với cô từ những năm tháng đầu đời nay không còn trên bản đồ hành chính.
Dù vậy, Giang vẫn ý thức rằng thay đổi là để phát triển: "Miễn là con người Hà Nam vẫn giữ được bản sắc, tình cảm quê hương vẫn còn, thì 'Hà Nam' sẽ luôn ở đó – không phải trên giấy tờ, mà trong tim mỗi người”, nữ sinh bày tỏ.
Cùng trong tâm thế sẵn sàng cống hiến sức trẻ vào vận hội lớn, Trần Việt Hoàng, sinh viên năm ba chuyên ngành Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng bày tỏ sự hào hứng khi đón nhận những thay đổi mang tính lịch sử này.
Với Hoàng, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ giúp tinh giản bộ máy, chỉ còn hoạt động hai cấp ở mỗi địa phương, từ đó các bước thực hiện trở nên nhanh chóng hơn, giảm áp lực và chi phí duy trì hoạt động
"Mình vô cùng hào hứng... bởi vì mình luôn muốn nhìn thấy đất nước mình được phát triển, toàn vẹn và cuộc sống của không chỉ mình mà còn rất nhiều người nữa có thể trở nên tốt đẹp hơn”, Hoàng chia sẻ.
Việt Hoàng tin tưởng vào một bộ máy quản lý tinh gọn và hiệu quả hơn sau sáp nhập.
Hoàng cảm thấy tự hào vì được sống và trưởng thành trong giai đoạn chuyển mình quan trọng của quê hương. Anh chàng kỳ vọng sự kết hợp nguồn lực, con người và điều kiện tự nhiên sẽ giúp quê hương vươn lên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Hoàng cũng có chút băn khoăn về khả năng phát triển của địa phương mình, Gia Lai, sau sáp nhập, đặc biệt khi Gia Lai năm vừa rồi đứng cuối cùng về sự phát triển kinh tế. Dù vậy, Hoàng vẫn tin tưởng vào lãnh đạo địa phương và kỳ vọng Gia Lai trong tương lai có thể vươn mình trở nên mạnh mẽ hơn. Hoàng cho rằng những người vẫn cảm thấy hụt hẫng về sự thay đổi có thể chưa hiểu và nhận thức đủ sâu sắc về mục đích và giá trị của việc sáp nhập.
Hoàng kỳ vọng nhất từ việc sáp nhập tỉnh, thành trong tương lai là sự hình thành một bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả và hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn. Nam sinh mong quá trình sáp nhập sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng đều hơn giữa các vùng, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương.
"Quan trọng nhất, mình hy vọng người dân sẽ cùng nhau xây dựng một tinh thần đoàn kết mới, lấy sự thay đổi làm cơ hội để vươn lên, phát triển bền vững hơn trong tương lai”, Hoàng nhấn mạnh. Nam sinh hoàn toàn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, coi đó là nền tảng vững chắc cho một Việt Nam phát triển thịnh vượng.
Ảnh: NVCC
Minh Anh - Hiếu Nguyễn