Theo dự thảo nghị quyết và tờ trình, các tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã gồm diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022) về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính. Theo nghị quyết, đơn vị cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Sắp xếp lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo các tiêu chí định hướng, dự kiến tới đây, số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm từ con số 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Cùng với việc bỏ cấp huyện, số lượng đơn vị cấp xã cũng sẽ sắp xếp còn khoảng 5.000 đơn vị, giảm 50% so với hiện tại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy là làm sao vừa giữ chân được người tài vừa tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia xung quanh nội dung này.
Sáp nhập tỉnh, thành để phát huy thế mạnh địa phương
- Ông đánh giá thế nào về cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hiện nay?
PGS.TS Ngô Thành Can: Chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn, kịp thời đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước. Có thể nói đây là bước tạo tiền đề cho sự phát triển, đi lên của đất nước, tạo không gian phát triển mới cho địa phương, tạo ra những lợi thế, phát huy các lợi thế, điểm mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác.
Trước đây, chúng ta đã có những lần tách, nhập các đơn vị hành chính, đã có những kết quả đáng trân trọng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung. Tuy nhiên, trong thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước còn có những khó khăn, những vấn đề của các đơn vị hành chính làm hạn chế sự phát triển đi lên. Trong tình hình đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết 1211/2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính, trong đó đã nêu ra những tiêu chí chung về đơn vị hành chính như về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính bên trong.
PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia.
- Trong các tiêu chí để sắp xếp gồm quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính thì tiêu chí nào là quan trọng nhất, thưa ông?
PGS.TS. Ngô Thành Can:Với các tiêu chí thì chưa thể nói tiêu chí nào quan trọng hơn tiêu chí nào, cũng như không nên so sánh "tay trái hay chân phải cái nào quan trọng hơn". Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn, người ta hay lấy tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên để xem xét tính toán trước, và các tiêu chí này đã được xem xét ở sự khác nhau giữa vùng đồng bằng, vùng miền núi, khu vực đô thị và những nơi được xác định là khu vực đặc biệt, đặc thù.
- Ông đánh giá thế nào về tác động của việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này đến đời sống kinh tế xã hội?
PGS.TS Ngô Thành Can: Việc sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính đều có những tác động ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… Tinh thần sắp xếp các đơn vị hành chính lần này, theo Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp. Việc sắp xếp, thay đổi này có những tác động như:
Thứ nhất, tác động đến sự phát triển chung, đến tầm nhìn, chiến lược phát triển của đơn vị hành chính. Sau sáp nhập các đơn vị hành chính mở sang một trang mới với những tiềm năng mới, đặt ra yêu cầu về tầm nhìn, chiến lược mới nâng tầm phát triển, tạo ra tiềm lực mới, tạo đà cho sự phát triển
Thứ hai, tác động đến hệ thống thể chế. Hệ thống thể chế có sự thay đổi khá lớn với những thay đổi về một loạt các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống này với những thay đổi tốt hơn, hoàn thiện hơn, đầy đủ và đồng bộ, mở "nút thắt về thể chế" tạo đà và thế cho sự phát triển đi lên của địa phương, của quốc gia.
Thứ ba, tác động đến công tác nhân sự. Công tác cán bộ được tập trung hướng tới xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mạnh về chất lượng, đủ về số lượng, đáp ứng ngày càng cao với những yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước.
Thứ tư, tác động đến những vấn đề về văn hóa xã hội, tâm tư tình cảm của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức, những người liên quan đến công cuộc đổi mới này.
Những vấn đề văn hóa xã hội liên quan như tỉnh anh, tỉnh tôi, quê anh, quê tôi, tên gọi có lạ có quen. Những vấn đề nhân sự như "người lên - người xuống", "người ở - người về", chế độ người nhiều, người ít. Thật không ít những tâm tư, có cả buồn cả vui, cả trầm lắng cả hào hứng, nhưng tựu trung lại là đều hướng về sự phát triển, sự đổi mới đi lên của đất nước, đời sống được nâng lên của nhân dân.
Con người là yếu tố then chốt của công cuộc đổi mới
- Ông có thể phân tích những thách thức trong việc sắp xếp địa giới hành chính lần này. Dư địa phát triển của các địa phương sau sắp xếp sẽ thế nào?
PGS.TS Ngô Thành Can:Một số những thách thức chúng ta cần nhận diện, đó là: Thách thức về mặt tổ chức là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương đặt ra những thách thức to lớn về công tác tổ chức. Tổ chức sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị hành chính.
Việc tổ chức lại các đơn vị hành chính hướng đến sự phát triển chung của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu chung cho công cuộc đổi mới cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Cải cách, tinh gọn bộ máy phải giữ chân được người tài ở lại trong bộ máy Nhà nước.
Việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc, phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và hợp lý, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ quan trọng, đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng trùng lặp, lãng phí.
Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm cao, vượt qua lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bởi việc sáp nhập cấp tỉnh, mở rộng cấp xã, phân công lại chức năng thường gặp phải sự phản ứng từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là những đơn vị, cá nhân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến lợi ích.
- Còn vấn đề con người thì sao, thưa ông?
PGS.TS Ngô Thành Can:Sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương, tinh gọn bộ máy liên quan đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đến việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự.
Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, công chức. Cần chú trọng đến xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, vì việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách đổi mới.
Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ thích hợp về tài chính, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc phù hợp để cán bộ, công chức an tâm công tác, cống hiến.
- Lâu nay, công chức, viên chức vốn gắn với suy nghĩ là vị trí công việc ổn định, ít bị xáo trộn, việc sắp xếp lại bộ máy lần này liệu có khắc phục được điều đó, thưa ông?
PGS.TS Ngô Thành Can: Đây chính là thách thức về mặt văn hóa và tư duy. Tâm lý e ngại thay đổi, tư duy "an phận", sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan bộ máy vốn có tính ổn định cao.
Sự thay đổi đồng nghĩa với việc phá bỏ những "lối mòn", đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, thiếu động lực làm việc, chọn phương án "an toàn" hoặc có biểu hiện ngầm chống đối.
Tinh gọn bộ máy không chỉ đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức quản lý, từ chỗ coi trọng số lượng sang tập trung vào chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, cản trở quá trình tinh gọn bộ máy.
Sắp xếp lại bộ máy phải giữ chân được người tài
- Trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này, thử thách đặt ra về trình độ đối với cán bộ công chức, viên chức như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Ngô Thành Can: Đổi mới đồng nghĩa phải phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động công vụ, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động công vụ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ, áp dụng thành thạo các quy trình mới trong môi trường số, hoạt động với năng suất cao.
Đối mới dư địa phát triển của các địa phương sau sắp xếp sẽ mở ra cho chúng ta thấy một chân trời mới, tầm vóc mới. Sự phát triển này dựa trên các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, an ninh quốc phòng với thế mới, tầm mới. Rõ ràng, một không gian phát triển mới chúng ta cần những nhà chiến lược thiết kế các bước đi tương lai trên nền tảng cũ và mới, kế thừa và phát triển, khoa học.
- Cán bộ công chức, viên chức sẽ bị ảnh hưởng lớn từ lần sắp xếp bộ máy này, theo ông cần phải có những lưu ý gì trong công tác tổ chức cán bộ?
PGS.TS Ngô Thành Can: Việc mở rộng của đơn vị hành chính cho thấy rõ những mặt tốt, tích cực. Xong, thực tiễn cũng có những vấn đề cần chú ý xem xét để có những phương án giải quyết thấu đáo. Việc sáp nhập tỉnh và chọn một vị trí là đô thị trung tâm sẽ làm ảnh hưởng đến một số cán bộ, công chức, viên chức liên quan bị xáo trộn công việc, thay đổi vị trí làm việc, di chuyển đến cơ quan xa hơn, một số cán bộ công chức có thể xin nghỉ sớm, hay thuộc diện tinh giản biên chế do sắp xếp lại tổ chức.
Trong khi thực hiện tinh gọn bộ máy sẽ có một số nhân sự rời khu vực công. Tinh gọn bộ máy đồng thời với việc tinh giản biên chế, để từng bước xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất tốt thực thi công vụ hiệu quả.
Đây cũng là một đợt sàng lọc để giữ lại những nhân sự phù hợp, có năng lực thực thi công vụ hiệu quả và đưa ra khỏi bộ máy những nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu về vị trí việc làm, về các tiêu chí để thực thi công vụ, đồng thời cũng sẽ đưa vào khu vực công những người có năng lực tốt, phù hợp với vị trí việc làm, có tài năng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Những người rời khỏi khu vực công được quan tâm với những chính sách, chế độ để tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, có thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng những khóa học phù hợp với những lựa chọn mới.
- Vậy có thể kỳ vọng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sau đợt sắp xếp, tinh gọn lần này sẽ còn lại là những tinh hoa, người có trình độ cao?
PGS.TS Ngô Thành Can: Có thể nói việc sắp xếp, tinh gọn này là một cuộc cách mạng, một chủ trương lớn, quan trọng về tổ chức bộ máy, đã mở ra một bước mới cho sự phát triển chung hướng tới sự phát triển của đất nước, sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Với sự sắp xếp các đơn vị hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hành chính đem lại cách thức hoạt động được đổi mới, đem lại cơ hội phát triển cho nền hành chính nhà nước về thể chế, về nhân sự, cách thức hoạt động hướng vào kết quả, hiệu quả thực thi công vụ.
Nguồn nhân lực khu vực công được chú trọng sàng lọc, phát triển đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về năng lực thực thi công vụ, về phẩm chất theo yêu cầu của công vụ, hướng tới các giá trị công vụ cao cả: Liêm chính, Trung thực, Chuyên nghiệp, Khách quan và Phục vụ.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Ngô Thành Can!
Tô Hội (thực hiện)