Sáp nhập tỉnh và chuyện tham luận không được in của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan

Sáp nhập tỉnh và chuyện tham luận không được in của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan
5 giờ trướcBài gốc
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống có uy tín. Ông là người sắc sảo trong chuyên môn và thường hay nói thẳng.
Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nghỉ hưu đã hơn hai chục năm nay. Cách đây ít hôm, tôi may mắn được gặp ông tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
Vẫn phong thái hóm hỉnh, sắc sảo và lạc quan đáng nể, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện nhân dịp Nhà nước đang triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, sáp nhập tỉnh.
Ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã có tư tưởng tinh gọn hệ thống nhà hát tại các tỉnh, thành mà theo ông không chỉ là sáp nhập các nhà hát dân tộc ở một địa phương (như tuồng, chèo, quan họ) vào một nhà hát có thể gọi là nhà hát ca múa nhạc của địa phương đó.
Một vở diễn tại Nhà hát chèo Hà Nội. Ảnh: Thiên Di
Ông kể rằng, khoảng năm 1995, cố nhạc sĩ Trung Kiên, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có chủ trì một cuộc hội thảo khoa học về cơ cấu tổ chức các đoàn nghệ thuật Việt Nam.
Tại đó, ông đã có bài tham luận "không giống ai" bởi vốn là người thẳng tính, không ngại va chạm. Khi đó, ông kiến nghị nên giải tán các nhà hát nghệ thuật do các địa phương quản lý từng sáp nhập, như đoàn chèo, đoàn cải lương, đoàn múa rối... về "chung nhà" với Đoàn Ca múa nghệ thuật của tỉnh.
Theo ông, làm như vậy sẽ mất đi bản sắc riêng có của từng loại hình. Nhưng cho dù có nhập làm một thì theo quan điểm của ông là vẫn không cần thiết, tốn kém tiền ngân sách nhà nước.
Xây dựng mô hình nhà hát vùng
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đề xuất nên giải thể tất cả và chỉ nên xây dựng mỗi vùng văn hóa một nhà hát mang đặc trưng bản sắc văn hóa riêng.
Ví dụ tại vùng núi cao nguyên thì có Nhà hát Tây Nguyên; vùng đồng bằng Nam Bộ thì có Nhà hát Nam Bộ, vùng Trung Bộ có Nhà hát miền Trung, vùng Bắc Bộ có Nhà hát Đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc thì nên có Nhà hát vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc...
Có lẽ các địa phương nên chăng chỉ xây dựng mô hình nhà hát của một vùng mang đặc trưng văn hóa riêng biệt của cả vùng địa lý, văn hóa đó.
Làm được điều này sẽ bớt đi gánh nặng quản lý nhà nước và kinh tế nhưng sẽ giữ được mỗi vùng miền có bản sắc nổi trội để du khách và các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế, ai muốn tìm hiểu thì đến. Nhà hát vùng sẽ có cả chức năng phục vụ mục đích tuyên truyền cho cả một vùng, có thể bao gồm 5-7 tỉnh.
Ông kể, bài tham luận năm đó đã không được in vào kỷ yếu hội thảo. Có người bảo: “Nó hơi nhạy cảm, bác Loan thông cảm”.
Thế mới biết, nhiều khi đi trước tư duy nhưng nếu chưa gặp thời điểm phù hợp thì cũng đành để đó.
Tuy là chuyện cũ nhưng đến nay quả thực vẫn mang tính thời sự, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch nên tham khảo lời tâm huyết nói trên của một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống rất đáng kính khi tính chuyện cải cách mô hình hoạt động của các nhà hát nghệ thuật địa phương hiện nay.
Quốc Phong
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sap-nhap-tinh-va-chuyen-tham-luan-khong-duoc-in-cua-nha-nghien-cuu-dang-hoanh-loan-2395114.html