Sáp nhập tỉnh vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp phát triển

Sáp nhập tỉnh vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp phát triển
5 giờ trướcBài gốc
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng: Cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập tỉnh
Việc sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và có thể nói đây là cuộc cách mạng trong lịch sử phát triển của đất nước. Chủ trương lớn, quyết sách lớn này lại càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào đúng thời điểm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Rõ ràng, chúng ta muốn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định thì phải có những chủ trương lớn, quyết sách mang tính đột phá và cách mạng.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng rất đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện bởi sẽ đem lại nhiều lợi thế cho chính doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp sẽ giảm chi phí, thời gian thủ tục hành chính. Ít trung gian hơn, doanh nghiệp có thể tiếp cận cấp quyết định, văn bản hành chính một cách nhanh hơn. Giờ đây từ xã, phường sẽ lên thẳng tỉnh chứ không qua trung gian.
Thứ hai, khi sáp nhập tỉnh, các doanh nghiệp sẽ có dư địa để mở rộng thị trường vùng. Đó là sự mở rộng cả về dân số, khách hàng lẫn không gian phát triển kinh tế.
Thứ ba, khi sáp nhập tỉnh sẽ rất thuận lợi cho việc quy hoạch vùng kinh tế, khu công nghiệp liên tỉnh, doanh nghiệp dễ mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều tỉnh nhỏ hợp nhất sẽ giảm tình trạng mỗi địa phương “một kiểu” trong các chính sách về thuế, đất đai, ưu đãi đầu tư nên doanh nghiệp được hưởng chính sách đồng bộ hơn, giảm rủi ro pháp lý khi đầu tư và vận hành.
Thứ tư, một điều rất quan trọng đó là Sóc Trăng có thể tận dụng được hạ tầng kết nối vùng của thành phố Cần Thơ với hệ thống cảng biển, sân bay, đường cao tốc… Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Hơn nữa, Cần Thơ còn là "đầu tàu" trong việc phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ năm, khi đã sáp nhập 3 tỉnh, thành là thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang sẽ thu hút thêm nhà đầu tư lớn, kích thích kinh doanh phụ trợ. Một tỉnh lớn sẽ có sức hấp dẫn cao hơn với nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn. Khi đó, doanh nghiệp địa phương (vận tải, thương mại, dịch vụ phụ trợ) sẽ có nhiều cơ hội làm vệ tinh, cung ứng.
Tuy nhiên, khi sáp nhập tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp phải biết biến sự cạnh tranh thành cơ hội, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để thích ứng tốt hơn với tình hình mới. Đặc biệt là phải đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp không thay đổi, không nhanh nhạy chắc chắn sẽ bị thị trường đào thải.
Chị Tạ Bích Phượng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng: Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng Tạ Bích Phượng, chủ trương sáp nhập tỉnh của Đảng, Nhà nước là tất yếu, bởi cuộc cách mạng tổ chức bộ máy công quyền đã từng xảy ra tại Việt Nam nhưng lần này “quyết làm”, triển khai nhất quán từ Trung ương đến cơ sở và nhận được sự đồng tình, nhất trí của nhân dân.
Chị Tạ Bích Phượng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng.
Trong thực tế, từ Trung ương đến địa phương trong những năm gần đây tập trung quyết liệt cho công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và người dân, doanh nghiệp đã, đang và sẽ còn hưởng lợi và thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đi lại của người dân, việc giao thương hàng hóa của doanh nghiệp. Do đó, chủ trương bỏ cấp trung gian (cấp huyện), sáp nhập các tỉnh, thành phố sẽ giúp gọn nhẹ bộ máy, hiệu quả, đỡ rườm rà cho doanh nghiệp, người dân, nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cuộc cải cách bộ máy công quyền này vừa mang đến cơ hội kèm những thách thức, bởi đây không chỉ là câu chuyện thay đổi về mặt hành chính mà còn tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực kinh tế, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị tác động ít nhiều. Rõ ràng nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản…
Doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ảnh: HOÀNG LAN
Khi sáp nhập 3 tỉnh, thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, khu hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ, dịch vụ, thương mại và nhiều lĩnh vực khác hiện đang hoạt động tại Sóc Trăng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong quá trình sáp nhập, sắp xếp có thể dẫn đến chậm trễ trong giải quyết thủ tục kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai… có sự xáo trộn về chính sách và hệ thống quản lý. Do vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, trong đầu tư phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư phải đảm bảo công bằng đối với các địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục… tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng thấp nhất đến người dân và doanh nghiệp.
HOÀNG LAN
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202505/sap-nhap-tinh-vua-la-thach-thuc-vua-la-co-hoi-de-doanh-nghiep-phat-trien-06e62c7/