Sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện: Chuyển mình trong tổ chức hành chính

Sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện: Chuyển mình trong tổ chức hành chính
10 giờ trướcBài gốc
Chính quyền địa phương 2 cấp
Nước ta hiện có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, là cấp trung gian giữa tỉnh và xã. Từ trước đến nay, cấp huyện giữ vai trò cầu nối trong việc triển khai các chính sách từ Trung ương đến cơ sở. Cấp huyện không chỉ là nơi thực thi các chỉ đạo của Trung ương mà còn là nơi tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, khi thực hiện bỏ cấp huyện, đồng nghĩa với việc tổ chức lại bộ máy quản lý hành chính từ tỉnh đến xã, điều này đặt ra thách thức lớn, làm sao để không gián đoạn công việc của các cấp chính quyền và bảo đảm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Việc sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trong ảnh: Một góc của thành phố Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai khẩn trương với quyết tâm lớn. Các cơ quan chức năng khẳng định, trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn, thử thách. Việc đồng hành với nhân dân, lắng nghe ý kiến và yêu cầu thực tế từ cơ sở sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của cuộc cách mạng lần này.
Ông Hoàng Trung Lộc, khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài
Theo ông Hoàng Trung Lộc ở khu phố 2, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài: “Cấp trung gian giảm bớt bao nhiêu là hiệu quả bấy nhiêu, mà điều này không phải chỉ có nước mình. Nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ rồi. Vì vậy, theo tôi việc này là cần thiết. Chúng tôi chờ đón những tin vui nhất từ cuộc cách mạng cải cách hành chính lần này”.
Ông Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đồng Xoài
Ông Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đồng Xoài cho hay: “Tôi rất đồng tình với chủ trương của Trung ương về tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Đây là quyết định đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu sự cồng kềnh trong bộ máy nhà nước. Việc tinh giản bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Nhà nước, đồng thời cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng để triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất”.
Sự đồng thuận của ý Ðảng - lòng dân
Sự đồng thuận của ý Đảng - lòng dân trong việc bỏ cấp huyện sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới và phù hợp với sự tiến bộ của thế giới hiện nay. Bỏ cấp huyện đồng nghĩa với việc giảm sự cồng kềnh của bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Bỏ cấp huyện, công tác quản lý được trực tiếp triển khai từ tỉnh tới xã, thông qua việc ứng dụng công nghệ, từ đó tiết kiệm thời gian, giảm bớt thủ tục, chính quyền cấp tỉnh gần và sát với dân hơn. Dù vậy, để thực hiện hiệu quả, các cấp quản lý cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức lại hệ thống hành chính sao cho hợp lý.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Tới đây sáp nhập xã, bỏ cấp huyện sẽ giảm bớt cán bộ, một số cán bộ nghỉ theo Nghị định 178, hoặc một số cán bộ không đủ chuẩn, năng lực kém thì có thể nghỉ việc. Điều này khiến nhiều người tâm tư, suy nghĩ. Tuy nhiên, ban đầu là vậy, còn khi bộ máy hoạt động vào guồng rồi thì cũng tốt thôi. Theo tôi, cái nào có lợi cho đất nước, cho nhân dân thì cứ làm”.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh
Việc triển khai sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện sẽ được tiến hành theo lộ trình cụ thể. Theo Bộ Nội vụ, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30-6 để đến ngày 1-7, các đơn vị vận hành theo tổ chức mới. Đối với cấp tỉnh, sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập trước ngày 30-8 để vận hành từ ngày 1-9-2025.
Sự thay đổi trong tổ chức hành chính không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, cùng với sự chuẩn bị kỹ, hy vọng việc sáp nhập sẽ góp phần xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Phương Mỹ, khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài
“Thực hiện bỏ cấp huyện, nhưng phải bảo đảm sự liên thông giữa 2 cấp, có sự kết nối thật chặt chẽ để giải quyết công việc một cách có hiệu quả. Đó là kết nối trực tiếp và trực tuyến thông qua hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin hiện đại” - ông Nguyễn Phương Mỹ ở khu phố 2, phường Tân Đồng chia sẻ.
Kỳ vọng của người dân
Việc sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Trong đó ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị, chủ trương lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng…), dễ dàng kết nối với các khu vực nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển. Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.
Một góc của thành phố Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước hôm nay
Khi nghe thông tin sáp nhập tỉnh, nhiều người dân Bình Phước cũng bày tỏ mong muốn. “Mấy hôm nay, các cụ già như tôi, tuổi đời ngoài 80 rồi, tuổi Đảng cũng 50, 60, khi ngồi lại với nhau tâm tư: Tỉnh nào cũng có lịch sử, địa danh lịch sử, nếu sáp nhập thì tên các địa danh đó sẽ như thế nào, chúng tôi hơi băn khoăn” - ông Phan Văn Minh ở khu phố Phú Lộc, phường Phú Đức, TX. Bình Long cho hay.
Ông Phan Văn Minh, khu phố Phú Lộc, phường Phú Đức, thị xã Bình Long
Ông Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đồng Xoài mong muốn: “50 năm qua, tên gọi Bình Phước đã trở thành thương hiệu rồi, nay mà không còn tên Bình Phước nữa thì tôi rất luyến tiếc. Hoặc nếu sáp nhập với tỉnh nào mà tỉnh lỵ đặt ở Đồng Xoài thì tuyệt vời nhất”.
Ông Nguyễn Phương Mỹ trăn trở: “Về sáp nhập tỉnh, tôi mong Trung ương căn cứ theo năng lực cán bộ lãnh đạo. Sáp nhập tỉnh phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia”.
Đó là những gì chúng ta kỳ vọng trong tương lai, với một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Việc bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh nhận được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Khi chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 28-3, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính theo 3 cấp gồm Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.
Theo dự kiến, trong cả nước sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, không tổ chức chính quyền cấp huyện và sắp xếp còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã.
Hiền Lương
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/635/171247/sap-nhap-tinh-xa-bo-cap-huyen-chuyen-minh-trong-to-chuc-hanh-chinh