Sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện: Xử lý trụ sở, tài sản công trong 5 năm

Sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện: Xử lý trụ sở, tài sản công trong 5 năm
một ngày trướcBài gốc
Cấp tỉnh xây dựng phương án xử lý trụ sở huyện, xã
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Dự thảo do Bộ Nội vụ soạn thảo và đang được Bộ Tư pháp thẩm định có đề cập cụ thể đến vấn đề sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.
UBND cấp tỉnh lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công trước khi sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh minh họa)
Trong đó, UBND cấp tỉnh được giao lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cấp xã thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Bên cạnh đó, trước khi sắp xếp, UBND cấp tỉnh lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
“Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”, dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính nêu rõ.
Tại nghị quyết này, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị, các bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn thực hiện sắp xếp sẽ lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho UBND cấp tỉnh để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
Tại dự thảo nghị quyết này, Bộ Nội vụ đề ra phương án, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều đặc biệt lưu ý về việc sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí trụ sở công, tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính các cấp.
TS. Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) nhấn mạnh quan điểm, phải tiết kiệm tối đa nguồn lực vật chất là tài sản công, trụ sở công sau sáp nhập.
Do vậy, với cấp tỉnh sau sáp nhập, nên ưu tiên chọn những trung tâm hành chính đã có sẵn hiện nay. Ngược lại, cần hạn chế xây dựng trụ sở mới, vì như vậy sẽ rất lãng phí và tốn kém. “Đầu tư xây dựng trung tâm mới sau sáp nhập là vạn bất đắc dĩ”, ông Chức nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng lưu ý, cần tận dụng tối đa cơ sở vật chất và trụ sở đã có để tránh lãng phí nguồn lực. Theo bà, khi xác định trung tâm hành chính mới, điều quan trọng phải tính toán đến yếu tố tầm nhìn, đầu tư thế nào, đặt trung tâm ở đâu để có sự phát triển tốt nhất cho tỉnh đó, vùng đó.
Trụ sở của Đài Phát thanh truyền hình Hà Tây cũ bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Trọng Phú)
Ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục
Tương tự, đối với trụ sở cấp huyện sau khi giải thể và trụ sở cấp xã sau sáp nhập, các ý kiến đều lưu ý phải được sử dụng hiệu quả, phục vụ nhu cầu thiết thực nhất cho người dân, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, không để bỏ hoang trụ sở, gây lãng phí nguồn lực.
Theo đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (đoàn Nam Định), với các trụ sở dôi dư cấp huyện, xã, cần ưu tiên sử dụng vào phục vụ cho lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là những lĩnh vực đang rất thiếu, cần được ưu tiên để phục vụ tốt nhất cho người dân. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, lĩnh vực y tế cơ sở càng cần được coi trọng, ưu tiên.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến đề nghị có thể tiến hành đấu giá trụ sở dôi dư, thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, vấn đề này cần được thực hiện thận trọng, công khai, minh bạch, và phải đánh giá đúng giá trị tài sản, tránh để xảy ra lãng phí, thất thoát.
Về nguồn lực thực hiện, dự thảo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng nêu rõ, chính quyền địa phương nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc, phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng lưu ý, quan tâm bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính cùng sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Chia sẻ về điều này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, khi thay đổi trung tâm hành chính sau sáp nhập, điều kiện làm việc, đi lại của cán bộ, công chức có thể sẽ có sự thay đổi nhất định. Để khắc phục điều này, địa phương phải có sự chuẩn bị để có thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công chức nếu có nhu cầu.
Theo ông Thịnh, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội đang được làm rất hiệu quả, nên chỉ cần trong vòng 1 – 2 năm, địa phương có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức nếu có nhu cầu, khi phải đi làm xa.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sap-nhap-tinh-xa-bo-cap-huyen-xu-ly-tru-so-tai-san-cong-trong-5-nam-post1730002.tpo