Sáp nhập TP. Hồ Chí Minh: Tái thiết kế chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ

Sáp nhập TP. Hồ Chí Minh: Tái thiết kế chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ
3 giờ trướcBài gốc
Viết lại bản đồ phát triển quốc gia
Việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mới vẫn mang tên gọi TP. Hồ Chí Minh đang mở ra một cơ hội lịch sử: Cơ hội hình thành một đại đô thị không chỉ lớn về quy mô, mà mạnh mẽ về năng lực phát triển và sâu sắc về tư duy quản trị. Tỉnh mới sẽ hội tụ đủ chiều sâu văn hóa, chiều rộng địa lý và chiều cao khát vọng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh
Theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
TP. Hồ Chí Minh mới trên cơ sở sáp nhập 3 địa phương hứa hẹn kiến tạo một siêu đô thị mới tại vùng Đông Nam Bộ khi phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của ba địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, TP. Hồ Chí Minh mở rộng sẽ không chỉ là chuyện của ba địa phương mà còn gắn bó sâu sắc hơn với Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng”.
TP. Hồ Chí Minh mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Sự phát triển của thành phố gắn liền, tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh thành trong vùng; TP. Hồ Chí Minh không chỉ "dẫn dắt" mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế - văn hóa liên vùng, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Sáp nhập 1+1+1 bằng 9
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề hành lang Quốc hội vào ngày 24/5, nhận định về tiềm năng phát triển của TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Các trung tâm hành chính công và đội ngũ cán bộ, công chức đã thay đổi từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần sang tư duy phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Đây là sự thay đổi nền tảng nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Theo thông tin được công bố, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh sẽ được hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, với diện tích hơn 67.773 km² và dân số trên 13,7 triệu người. Đây sẽ là một trong 34 tỉnh, thành mới trong cả nước và vẫn mang tên TP. Hồ Chí Minh với dấu ấn thiêng liêng và kỳ vọng lớn lao.
Một góc Cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường
Đại biểu Ngân cho rằng, việc kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh là một quyết định mang tính chiến lược và khoa học.
TP. Hồ Chí Minh hiện là trung tâm lớn về tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục của cả nước. Việc liên kết này không chỉ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, trung chuyển quốc tế, thương mại tự do, mà còn thúc đẩy Bình Dương với vai trò là khu công nghiệp trọng điểm quốc gia. Khi gắn kết được với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm logistics, tài chính và với cảng trung chuyển quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu cùng cảng Cần Giờ trong tương lai, thì các lĩnh vực kinh tế biển, logistics và công nghiệp sẽ được đẩy mạnh phát triển.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, đây là một sự cộng hưởng về sức mạnh giữa ba địa phương không phải chỉ đơn giản là phép cộng thông thường 1 + 1 + 1 = 3, mà là sự kết hợp có thể tạo ra sức mạnh gấp nhiều lần tương đương bằng 9. Điều này mở ra kỳ vọng rất lớn trong thu hút đầu tư, đặc biệt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có tiềm năng phát triển mạnh về thương mại, logistics, công nghiệp và các khu kinh tế tự do.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, sau sáp nhập, cần tiếp tục trao quyền thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay của TP. Hồ Chí Minh cho TP. Hồ Chí Minh mới. TP. Hồ Chí Minh cũng phải trao quyền tự chủ cho Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương phải có cơ chế để trao quyền chủ động, để dựa vào nhau mà phát triển chứ không kìm hãm nhau, không đi ngược lại mong muốn là tạo không gian mới để phát triển.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sap-nhap-tp-ho-chi-minh-tai-thiet-ke-chien-luoc-phat-trien-vung-dong-nam-bo-389262.html