Bản sắc văn hóa - Nền móng của phát triển bền vững
Cuộc sáp nhập lịch sử giữa 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, đang dần hiện hữu - một không gian phát triển mới đang dần hình thành, không chỉ trên bản đồ hành chính, mà còn trong trái tim, niềm tin và khát vọng của người dân. Khi bản sắc văn hóa được kết nối, khi lòng dân đồng thuận, đó chính là nền tảng để kiến tạo một tỉnh Phú Thọ mới vững vàng trong hành trình phát triển bền vững.
Khi bản sắc văn hóa được kết nối, khi lòng dân đồng thuận - là nền tảng để kiến tạo một tỉnh Phú Thọ mới vững vàng trong hành trình phát triển bền vững. Ảnh: Khánh Linh
Không gian mở rộng của tỉnh Phú Thọ mới là sự giao hòa không chỉ về địa lý, kinh tế, mà trước hết là sự kết tinh của ba dòng chảy văn hóa lớn: Phú Thọ - vùng đất Tổ thiêng liêng, Vĩnh Phúc - đất học với chiều sâu truyền thống và Hòa Bình - vùng văn hóa bản địa giàu bản sắc. Mỗi vùng đất đều mang theo ký ức văn hóa, giá trị di sản quý báu, cùng hội tụ để tạo nên một chỉnh thể mới: Đa dạng - hài hòa - giàu tiềm năng phát triển.
Phú Thọ - cội nguồn dân tộc, với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là nơi khởi nguyên lịch sử mà còn là trục tâm linh kết nối toàn vùng.
Vĩnh Phúc - quê hương của Quốc Mẫu Tây Thiên, nơi quy tụ hàng trăm lễ hội cổ truyền, làng nghề đặc sắc. Dù công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, nơi đây vẫn giữ gìn bản sắc, trở thành hình mẫu phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hòa Bình - bản làng Mường, Dao, Thái… mang trong mình kho tàng văn hóa phi vật thể sống động với tiếng cồng, chiêng, nhà sàn, lễ hội cổ truyền. Đây là “tài nguyên mềm” quý báu cho ngành du lịch văn hóa, sinh thái và trải nghiệm.
Khi ba dòng chảy ấy gặp nhau, một không gian văn hóa liên vùng được thiết lập. Từ đó, nền móng cho chiến lược phát triển du lịch tổng thể được củng cố - không chỉ là du lịch tâm linh, văn hóa, mà còn là sinh thái nghỉ dưỡng, làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, đưa Phú Thọ mới trở thành điểm đến di sản - sinh thái - trải nghiệm đặc sắc của vùng Bắc Bộ.
Lòng dân: Thế trận vững chắc cho cải cách
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Mọi thắng lợi của dân tộc đều bắt nguồn từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay, trên hành trình cải cách hành chính, sáp nhập tỉnh - một cuộc chuyển mình lớn hơn bao giờ hết, lòng dân chính là nền tảng, là bảo chứng cho thành công.
Sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình là khởi đầu cho một hành trình kiến tạo mới - một tỉnh Phú Thọ mới kiểu mẫu. Ảnh: Khánh Linh
Chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy không thể thành công nếu thiếu sự đồng thuận. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân được các địa phương thực hiện thận trọng, bài bản. Nhân dân các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã và đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Đa số người dân đồng tình, ủng hộ bởi họ hiểu rõ: Cải cách là để phát triển, tinh gọn là để phát huy hiệu quả, thay đổi là để nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, việc đặt tên các đơn vị hành chính mới cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên truyền thống lịch sử - văn hóa - địa lý. Điều này thể hiện sự trân trọng quá khứ, gắn bó với ký ức cộng đồng, tạo sự yên tâm và đồng thuận trong nhân dân.
Như phát biểu của ông Kim Nam, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã phản ánh tinh thần này: “Chủ trương sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn mang tính lịch sử, không chỉ mở ra không gian kết nối phát triển mà còn nâng cao đời sống người dân. Tôi ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Sau sáp nhập, tôi tin rằng, với truyền thống đoàn kết vững bền của dân tộc, mỗi người dân, tình làng nghĩa xóm sẽ thêm bền chặt, cùng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, xây dựng đời sống kinh tế ngày càng phát triển”.
Có thể nói, dù việc xóa bỏ tên gọi quen thuộc nào đó luôn mang theo sự tiếc nuối, nhưng nhân dân đã chọn nhìn về phía trước - vì tương lai phát triển chung. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh từ lòng dân - yếu tố quyết định thành bại của mọi công cuộc cải cách.
Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng hành chính. Đó là khởi đầu cho một hành trình kiến tạo mới - một tỉnh kiểu mẫu, phát triển toàn diện, hài hòa giữa công nghiệp và văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại. Muốn vậy, cần tổ chức quy hoạch bài bản, đầu tư có trọng tâm và quan trọng hơn cả - tiếp tục khơi dậy, phát huy sức mạnh từ lòng dân.
Khi bản sắc được trân trọng, khi nhân dân đồng lòng, Phú Thọ mới không chỉ là một tên gọi hành chính - mà sẽ trở thành biểu tượng của một mô hình phát triển hội tụ, bền vững và nhân văn.
Sáp nhập không chỉ là câu chuyện về địa giới hành chính. Đó là cuộc tái định hình không gian văn hóa - xã hội với tầm nhìn chiến lược. Khi ba vùng đất giàu bản sắc cùng hợp lực, một Phú Thọ mới sẽ có đủ điều kiện để bứt phá - trở thành trung tâm du lịch di sản, điểm đến văn hóa hàng đầu khu vực.
Thu Thủy