Ảnh minh họa.
Để có cơ sở và căn cứ xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi.
TĂNG DẦN MỨC TRỢ CẤP CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết kinh phí triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách, chương trình, đề án liên quan đến người cao tuổi được bố trí theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có người cao tuổi) theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội năm 2023 là trên 28.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội năm 2023 là hơn 2.400 tỷ đồng, gồm hơn 1,5 triệu người cao tuổi.
Về trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đã có 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Luật Người cao tuổi năm 2009 và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người từ đủ 80 tuổi trở lên (một số đối tượng đặc biệt được hưởng với tuổi thấp hơn) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với mức 360.000 đồng/tháng.
Đồng thời, có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay, 14 tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo đối tượng đặc thù của tỉnh.
Để bảo đảm đời sống cho đối tượng người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, ngày 1/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021, trong đó quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó có 2,2 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu hằng tháng và hơn 478.000 người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Hơn 14,6 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Riêng trong năm 2023, đã có hơn 74,3 triệu lượt người cao tuổi tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng chi phí khám chữa bệnh khoảng trên 59,4 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, hiện toàn quốc còn 275.000 người cao tuổi đang tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu trong thời gian tới.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia cũng cho thấy cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi, 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn.
PHẦN LỚN NGƯỜI CAO TUỔI KHÔNG CÓ TÍCH LŨY, THU NHẬP THẤP
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, hiện nay đời sống người cao tuổi từng bước được cải thiện, song đa số họ không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa.
Người cao tuổi nhận chi trả lương hưu, trợ cấp tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.
Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái.
Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.
Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, mức trợ cấp xã hội thấp, nhiều người cao tuổi gặp khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo chưa được hưởng trợ cấp xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa ban hành chính sách hỗ trợ người cao tuổi từ 60-80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp xã hội, không hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Thực tế, hiện cả nước vẫn còn hàng triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội. Việc phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW là đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng trong bối cảnh việc gia tăng đối tượng hưởng lương hưu cần có thời gian (bình quân chỉ tăng khoảng 80.000 người/năm), không thể tăng nhanh ngay một lúc.
Do đó, nếu không có giải pháp mạnh mẽ gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thông qua việc điều chỉnh giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì sẽ rất khó hoàn thành được mục tiêu bao phủ đối tượng thụ hưởng đã đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bảo phủ toàn dân cho thấy chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trợ cấp hưu trí xã hội đang được quy định tại Luật Người cao tuổi; bảo hiểm xã hội cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Nhật Dương