Theo UBND TP hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn đứng thứ ba sau lũ lụt và bão mà TP.HCM nằm trong vực chịu ảnh hưởng, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3.
Cánh đồng thiếu nước do xâm nhập mặn ở huyện Củ Chi, TP.HCM năm 2024. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Theo đó, để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phương án mà TP.HCM đưa ra là tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch.
Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn. Phải khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Bên cạnh đó là thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các loại phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết. Đặc biệt phục vụ phòng chống cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng và các vùng có cây lâm nghiệp phân tán ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi...
Để thực hiện phương án trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở NN&PTNT TP.HCM phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương và đơn vị có liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện nạo vét các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng. Huy động người dân địa phương tham gia làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, củng cố bờ bao ngăn mặn giữ ngọt, tổ chức giữ nước để bơm tưới khi cần thiết.
Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước hoặc xâm nhập mặn, phải đảm bảo điều tiết cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao...
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ nay đến tháng 3-2025, mực nước trên sông Đồng Nai biến đổi chậm với xu thế xuống dần.
Từ cuối tháng 12-2024 đến tháng 3-2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long xuống dần, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn 10-15% so với trung bình nhiều năm. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần.
Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm trong tháng 2 và tháng 3, khả năng xảy ra các đợt xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông Cửu Long gây ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế - xã hội tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
NGUYỄN CHÂU