Ông Nguyễn Tân Thịnh trả lời báo chí.
Ưu tiên bố trí trụ sở công dôi dư do sắp xếp cho các cơ sở giáo dục, y tế...
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị đã diễn ra được một thời gian. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định của Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý đối với trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập; chuyển nhiệm vụ từ cơ quan đơn vị này sang cơ quan đơn vị khác hoặc giải thể…
Đặc biệt, về sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết sẽ ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng.
Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Trường hợp có phương án chuyển đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác để sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thì Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã đó.
Bên cạnh đó, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, ưu tiên số một cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao....).
Ngoài ra, đối với các cơ sở nhà, đất còn lại sẽ được thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;..., giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật,....
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định; trường hợp có diện tích trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công dôi dư thì thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương khác trên địa bàn quản lý, sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Dự kiến có 6000 xe công được giao cho cấp xã
Cho biết về việc sửa đổi tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng tài sản công, ông Thịnh cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Từ đó, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp có sự thay đổi, vì thế phải điều chỉnh lại tiêu chuẩn, định mức cho phù hợp.
Ví dụ trước đây, quy định xe ô tô phục vụ công tác chung chỉ đến cấp huyện. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ còn lại chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện), phạm vi quản lý của cơ quan cấp tỉnh rộng hơn. Các xã không thông qua cấp huyện nữa mà phối hợp trực tiếp với đơn vị cấp tỉnh nên biên chế cũng khác…
Do đó, phải điều chỉnh lại tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
“Việc điều chỉnh này sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở xây dựng phương án sắp xếp bố trí tài sản để đưa vào đề án sắp xếp các đơn vị hành chính” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định; trường hợp có diện tích trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công dôi dư thì thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương khác trên địa bàn quản lý, sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đối với “chùm” chính sách về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công gồm xe ô tô, trụ sở làm việc, máy móc thiết bị.
Nhấn mạnh, về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, ông Thịnh cho biết, dự thảo của Bộ Tài chính đã đưa ra quy định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa 2 xe/xã và UBND cấp tỉnh sẽ điều hòa số lượng xe giữa các xã (cao hơn hoặc thấp hơn 2 xe) và xã được quản lý theo hình thức trực tiếp.
“Dự kiến sẽ có khoảng 6.000 xe công từ cấp huyện được chuyển cho cấp xã. Số xe công từ cấp huyện chuyển nhiệm vụ xuống cấp xã là tương đương nhau ”- ông Thịnh cho biết.
Ngoài ra, đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.
Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.