Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Thái Bình

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Thái Bình
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 23/10, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025 (Ban Chỉ đạo) họp triển khai Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15, ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị.
Theo Nghị quyết 1202 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thái Bình sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh để hình thành 10 đơn vị hành chính xã mới, gồm các xã: Liên An Đô, Phong Dương Tiến, Xuân Quang Động (huyện Đông Hưng); Trang Bảo Xá (huyện Quỳnh Phụ); Thống Nhất, Hồng Vũ (huyện Kiến Xương); Đông Quang, Ái Quốc, Nam Tiến (huyện Tiền Hải) và Quang Trung (huyện Hưng Hà). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố; 242 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 223 xã, 10 phường và 9 thị trấn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Thái Bình với các phương án sắp xếp phù hợp với lịch sử, truyền thống, văn hóa và tình hình thực tiễn tại địa phương, từ đó tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của đất nước; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tinh giản biên chế; đồng thời mở rộng không gian đô thị, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025 và một số nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong thời gian tới; Kế hoạch số 155 ngày 17/10/2024 của UBND tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới.
Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc sắp xếp trong giai đoạn hiện nay có nhiều thuận lợi và kế thừa kinh nghiệm từ giai đoạn trước. Do vậy, các địa phương cần triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.
Trong đó, thực hiện tốt công tác sắp xếp bộ máy tổ chức, tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập; đồng thời định hướng các đơn vị hành chính mới bố trí quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công bảo đảm thuận lợi, tránh lãng phí.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, Thái Bình đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, bám sát trình tự, thủ tục, hướng dẫn của Trung ương và bảo đảm chất lượng, tiến độ; tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới phải đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định tình hình, kiện toàn và vận hành ngay bộ máy tổ chức tại các đơn vị hành chính mới; không để xáo trộn hoạt động, công việc, giao dịch của người dân cũng như mọi hoạt động của địa phương.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Nguyễn Tiến Thành đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là các quy định, hướng dẫn về chế độ chính sách của Nhà nước để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, đồng thuận triển khai thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nắm chắc tư tưởng của đội ngũ cán bộ.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức bảo đảm nguyên tắc thống nhất tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức cùng cấp, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Vận dụng chế độ chính sách của Trung ương về công tác cán bộ dôi dư bảo đảm đúng, trúng, bảo vệ tối đa quyền lợi cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp; lưu ý không để thất lạc hồ sơ, tài liệu của các địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Các huyện, các ngành bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai, tổ chức thực hiện; phân công cán bộ phụ trách cụm, xã để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể của tỉnh chủ động, phối hợp với các địa phương xây dựng các đề án, phương án liên quan đến sắp xếp cán bộ, hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ... Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện bám sát, đôn đốc, theo dõi, xử lý các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, báo cáo Ban Chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết.
Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục bảo đảm công tác an ninh trật tự, giữ vững ổn định địa bàn, không để các đối tượng xấu, phần tử cơ hội lợi dung vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính để khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất ổn định tình hình cơ sở.
Minh Khang
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-o-tinh-thai-binh-ar903470.html