Ông Bùi Đức Thuận mới đây gửi câu hỏi đến Bộ Nội vụ: Trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện), quy trình sắp xếp, điều động công chức cấp xã được tiến hành ra sao? Việc bố trí công chức có được thực hiện công khai, minh bạch không? Công chức thuộc diện điều động có được thông báo, trao đổi trước khi luân chuyển hay không?
Sắp xếp công chức thực hiện công khai
Bộ Nội vụ cho biết, ngày 4/6, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ đã ban hành Công văn số 11.
Khoản 2 phần C của công văn nêu rõ: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai sắp xếp nhân sự cấp xã theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phân công, bố trí cán bộ, công chức cấp xã phải đảm bảo chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm và tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.
Như vậy, việc sắp xếp công chức không phải là thông tin “mật”, mà cần được thực hiện công khai, minh bạch, và người lao động cần được thông báo, trao đổi trước về việc điều động, luân chuyển.
Việc phân công, bố trí cán bộ, công chức cấp xã phải đảm bảo chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngoài ra, theo Điều 73 và 74 của Nghị định 138/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 06/2023 và Nghị định 116/2024), công chức cần được thông tin đầy đủ và hướng dẫn cụ thể.
Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị ông Thuận liên hệ với cơ quan quản lý công chức nơi công tác để được giải đáp chi tiết.
Không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận viên chức tỉnh, huyện về xã
Ông Nguyễn Sỹ Nguyên (Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai mới) cũng gửi thắc mắc về thủ tục tiếp nhận công chức. Cụ thể, ông Nguyên hỏi: Viên chức cấp huyện hoặc cấp tỉnh được điều động làm công chức tại cấp xã mới có phải thực hiện thủ tục tiếp nhận vào làm công chức không? Có cần đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn nào?
Về nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, Công văn số 11 nêu rõ: Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát số lượng, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; nếu cần thiết điều động tăng cường viên chức cấp huyện, cấp tỉnh xuống cấp xã thì việc bố trí phải khách quan, công tâm, đảm bảo chất lượng và phù hợp vị trí việc làm tại cấp xã mới.
Đặc biệt, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được điều động làm công chức cấp xã mới theo đề án đã phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận vào làm công chức.
Tuy nhiên, việc điều động vẫn phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị ông Nguyên liên hệ cơ quan quản lý viên chức nơi công tác để được hướng dẫn, đảm bảo đúng quy trình và quy định.
Theo Nghị định 129/2025, khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp huyện cho cấp tỉnh hoặc cấp xã, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm tiếp tục chủ trì, phối hợp thực hiện các công việc đang được giao, không để gián đoạn nhiệm vụ.
Đồng thời, cơ quan này tiếp nhận xử lý và quản lý hồ sơ, tài liệu về các công việc mà cấp huyện cũ đang giải quyết. Không được yêu cầu người dân, tổ chức phải thực hiện lại các thủ tục hành chính đã hoàn tất trước khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp có hiệu lực.
Cùng với đó, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, đồng thời phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đến cơ quan cấp trên để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Vũ Điệp