Cử tri nhất trí cao với 2 đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Một góc thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: TTXVN
Tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh về việc hợp nhất tỉnh 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025.
Kết quả, cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với 2 Đề án trên đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình cho thấy, cử tri đồng thuận đạt 98,3%. Với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025, cử tri đồng thuận đạt 97,58%.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ, mẫu phiếu, biểu mẫu, hồ sơ, quy trình tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình, thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện đảm bảo tiến độ, nội dung từng phần việc. Việc tổ chức lấy ý kiến đã được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định.
Công tác triển khai, thực hiện được Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ tiến hành theo đúng tinh thần Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025 Về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Ngày 21/4, Phú Thọ đã công bố danh sách dự kiến tên gọi của 66 đơn vị hành chính cấp xã mới toàn tỉnh, gồm 7 phường và 59 xã (giảm 141 đơn vị hành chính, bằng 68,12%).
Như vậy, việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã tại Phú Thọ đã bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp theo yêu cầu cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là xã.
Theo ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng. Việc tổ chức mô hình địa phương 2 cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thuận với chủ trương sáp nhập hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp
Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Sáng 29/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành Kỳ họp thứ 17 (chuyên đề).
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tập trung xem xét, thảo luận và quyết định một số nội dung trọng tâm, trong đó, xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và Nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp cùng nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Châu Thị Mỹ Phương, sắp xếp đơn vị hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn góp phần tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển mới; đặc biệt là trong vấn đề phát triển kinh tế và phát triển đô thị, giúp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương được kết nối đồng bộ, hình thành các trung tâm kinh tế - xã hội mới giàu tiềm lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Tại kỳ họp, các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết sau khi sắp xếp, Tiền Giang giảm từ 164 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 57 đơn vị. Trước đó, qua lấy ý kiến cử tri, HĐND tỉnh nhận được sự tán thành của 98,69% số cử tri trong toàn tỉnh.
Các đại biểu cũng nhất trí thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp mới có diện tích trên 5.933 km2, dân số trên 4,2 triệu người và 102 đơn vị hành chính cấp xã; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang. Phương án sáp nhập kể trên đã được 98,8% cử tri trong tỉnh tán thành.
Chủ tịch HĐND tỉnh Phương chia sẻ, việc sáp nhập hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là cần thiết, giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi tiêu công, tập trung huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ các lĩnh vực theo các tiêu chí phát triển cao hơn, cải thiện đời sống người dân tốt hơn. Gắn với việc sáp nhập tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử đem lại sự thuận tiện, cung cấp các dịch vụ công một cách hiệu quả và kịp thời cho nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức…
Đào An - Minh Trí (TTXVN)