Cử tri thành phố Việt Trì xem danh sách niêm yết lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) về Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế và tổ chức lại các ĐVHC các cấp nhằm giảm số lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong giai đoạn 2019 - 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, Phú Thọ đã tiến hành sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã để thành lập 28 ĐVHC mới. Tiếp đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục sắp xếp 30 ĐVHC cấp xã để hình thành 12 ĐVHC mới. Kết quả, toàn tỉnh đã giảm 70 ĐVHC cấp xã, còn lại 207 đơn vị, trong đó có 180 xã, 15 phường, 12 thị trấn. Sau sắp xếp, bộ máy chính quyền cấp xã được tinh gọn hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Từ kết quả thực tiễn, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025, Phú Thọ đã chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm chính trị lớn.
Với phương châm lấy sự đồng thuận của Nhân dân làm nền tảng, lấy hiệu quả phục vụ người dân làm mục tiêu, Phú Thọ đã và đang từng bước triển khai chủ trương lớn này một cách chắc chắn, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn mới.
Huyện Tam Nông là một trong những địa phương đã nhanh chóng vào cuộc hoàn tất các thủ tục, quy trình sáp nhập cấp xã, bỏ ĐVHC cấp huyện theo đúng yêu cầu, kế hoạch của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Với cách làm bài bản, khoa học, chủ động và linh hoạt của tỉnh, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đông đảo người dân, trong đó có những nơi tỷ lệ cử tri đồng thuận 100%. Tất cả đều phấn khởi, tin tưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đơn vị hành chính mới sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Nông họp bàn triển khai phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã theo kế hoạch của tỉnh.
Trong cuộc cách mạng này, Tam Nông đã xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, để cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong huyện hiểu đây không chỉ đơn thuần là sáp nhập để giảm số lượng cấp xã, giảm số lượng cán bộ mà còn là cơ hội lớn để địa phương, đất nước phát triển nhanh, bền vững. Chính vì thế, thông qua các cuộc họp, lấy ý kiến cử tri và Nhân dân về dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC các cấp, chúng tôi đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao - đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông nhấn mạnh.
Sau sắp xếp, sáp nhập, từ 12 xã, thị trấn, Tam Nông giảm còn 4 xã lấy tên là Tam Nông, Thọ Văn, Vạn Xuân và Hiền Quan. Trên cơ sở Đề án sáp nhập của tỉnh, huyện đã tiến hành họp bàn, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đã có 98,82% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025.
Cũng như Tam Nông, TP Việt Trì xác định việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thành phố đã chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ về chủ trương và sự cần thiết của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Thành phố sau sắp xếp đã giảm từ 20 ĐVHC cấp xã xuống còn 5 ĐVHC cấp xã, gồm 4 phường và 1 xã.
Đồng chí Bùi Mạnh Quảng - Chủ tịch UBND xã Sông Lô cho biết: Xã Sông Lô và các phường Thanh Miếu, Thọ Sơn, Tiên Cát và Bạch Hạc sáp nhập, thành lập đơn vị mới lấy tên Thanh Miếu. Xã đã tiến hành lấy ý kiến của 1.415 cử tri đại diện hộ gia đình của 4 khu dân cư, có 99,87% cử tri đồng ý với Dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025.
Cùng với Tam Nông và TP Việt Trì, để tiến hành sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh về tên gọi của ĐVHC cấp xã mới, dự kiến địa điểm đặt trụ sở của ĐVHC cấp xã mới, lấy đó làm căn cứ tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình sáp nhập.
Cán bộ Sở Nội vụ nghiên cứu bản đồ địa chính để tham mưu xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Mở rộng không gian, phát huy hiệu quả nguồn lực
Ngay khi Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được ban hành, Phú Thọ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp tỉnh Phú Thọ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã, không tổ chức cấp huyện; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chỉ đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan rà soát, đánh giá thực trạng ĐVHC cấp xã trên địa bàn. Quan điểm của tỉnh, việc sắp xếp, sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ định hướng của Trung ương, phù hợp với quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực và sắp xếp cán bộ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội và không làm xáo trộn đời sống người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã được tỉnh thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thống nhất trên phạm vi toàn quốc, hướng tới mục tiêu giảm khoảng 50% số lượng ĐVHC cấp xã hiện nay. Đồng thời, các ĐVHC mới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số so với tiêu chuẩn xã được quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả rà soát số lượng ĐVHC, số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo niên giám thống kê năm 2024; kết quả phân loại ĐVHC và phân loại đô thị các ĐVHC, các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, cộng đồng dân cư..., tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp tổng thể. Phương án sắp xếp được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa hình, phân bố dân cư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa từng vùng, miền trong tỉnh.
Ngay sau khi Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh được xây dựng, các địa phương trong toàn tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về nội dung quan trọng này. Theo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025, đã có 97,58% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025.
Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh, số ĐVHC cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp là 207 ĐVHC cấp xã, gồm 180 xã, 15 phường và 12 thị trấn. Số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 205 đơn vị, trong đó: 178 xã, 15 phường, 12 thị trấn. Có 2 xã Thu Cúc và Trung Sơn đề nghị giữ nguyên không thực hiện sắp xếp do đạt tiêu chuẩn theo quy định. Sau sắp xếp, tỉnh có 66 ĐVHC cấp xã gồm 59 xã, 7 phường, giảm 68,1% so số lượng ĐVHC cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp.
Đồng chí Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ sớm, từ xa. Bên cạnh sự khẩn trương vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và dư luận xã hội là sự tính toán chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý, hài hòa lợi ích để mục tiêu đạt được không chỉ là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương mà ở tầm cao hơn, tạo không gian phát triển và phát huy hiệu quả nguồn lực để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống trong tình hình mới. Sau sáp nhập, diện tích các xã tăng lên; quy mô dân số cũng tăng. Không gian mới, cơ hội phát triển mới đang dần mở ra cho các địa phương, bởi việc sáp nhập không chỉ giúp tập trung nguồn lực mà còn mở ra cơ hội để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Phương Thảo