Chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài; Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng sắp xếp cấp xã.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội tháng 3/2025. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".
Theo định hướng của Ban Chấp hành T.Ư Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP (28 tỉnh và 6 TP trực thuộc T.Ư); sắp xếp, giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Ngay sau đó, các địa phương trên cả nước đã vào cuộc khẩn trương, chủ động và quyết liệt. Hiện nay, các tỉnh, TP trong toàn quốc đã đưa ra các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời triển khai lấy ý kiến Nhân dân. TP Hà Nội gương mẫu, đi đầu khi sắp xếp 526 xã, phường, thị xã, thị trấn thành 126 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hơn 76%, cao hơn chỉ tiêu T.Ư yêu cầu.
Tạo nền tảng, sức bật cho phát triển bứt phá
Theo lộ trình, tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính: trước ngày 30/6/2025, hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025; hoàn thành Đại hội Đảng tại cấp xã trước ngày 31/8/2025; hoàn thành Đại hội Đảng cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I/2026; Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 3/2026. Căn cứ lộ trình này, T.Ư cũng khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần "ổn định sớm để phát triển".
Như các ý kiến nhận định, qua dự kiến danh sách tên gọi các tỉnh, TP và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (ban hành kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TW) có thể thấy sự thay đổi mạnh mẽ về mặt tư duy. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định, sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là tinh gọn đầu mối mà hướng tới mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước. Việc này cũng bảo đảm tính ổn định lâu dài của hệ thống, tổ chức. Sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sự thay đổi ngắn hạn để vài chục năm phải điều chỉnh mà mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.
Khi nói về chủ trương sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đặc biệt là cấp xã, nhiều chuyên gia, cán bộ, người dân đều có chung nhận định, việc này không chỉ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, để chính quyền cấp trên gần dân, sát việc hơn, mà quan trọng là để chúng ta có các đơn vị hành chính lớn hơn, địa bàn ít bị chia cắt, không gian phát triển được mở rộng, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo thêm dư địa phát triển nhiều hơn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Khi bỏ cấp trung gian là cấp huyện, chính quyền cấp tỉnh sẽ trực tiếp quản lý cấp xã, từ đó có thể ra quyết định nhanh hơn, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, giảm bớt tình trạng chồng chéo, trì trệ trong bộ máy. Đồng thời, một cấp xã mới, được hình thành từ sự hợp nhất của nhiều đơn vị hành chính sẽ mở rộng không gian phát triển cho địa phương. Phương thức quản lý linh hoạt, kết hợp giữa tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp và ứng dụng công nghệ sẽ giúp TP phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các đơn vị.
Trong khi đó, theo TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ căn cứ vào các tiêu chí đơn thuần trước đây như về quy mô dân số, diện tích mà còn phải chú trọng đến mở rộng không gian phát triển gắn với 6 vùng kinh tế - xã hội. Đây cũng là điểm khác về tư duy sáp nhập không còn theo lối mòn, không chỉ dừng lại ở mục tiêu tinh gọn mà đã vươn xa hơn về tầm nhìn, đó là sáp nhập để đạt mục tiêu cuối cùng là phát triển và hưng thịnh. Việc sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã nhằm tạo ra không gian mới, tạo ra động lực mạnh mẽ để địa phương, vùng và đất nước phát triển.
Rõ ràng, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị qua thực tế triển khai đã và đang nhận được sự quan tâm sâu rộng và đồng tình của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy cũng đang được thực hiện đồng thời với nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với quyết tâm, sự đồng lòng, niềm tin của người dân, sẽ góp phần lớn thực hiện thành công các quyết sách lịch sử, để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho thời điểm bắt đầu Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là Đại hội XIV của Đảng.
Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt trong việc tiết kiệm ngân sách, mở rộng dư địa phát triển và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở địa phương. Việc chú trọng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của cấp cơ sở, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", sẽ hạn chế tình trạng cấp ủy, tổ chức Đảng bao biện, làm thay chính quyền các cấp, có nơi bỏ sót, đùn đẩy trách nhiệm. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp việc thực thi chính sách sẽ nhanh hơn, minh bạch hơn và tránh được tình trạng phân tán trách nhiệm giữa các cấp chính quyền.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội
Nguyễn Vũ