Sắp xếp đơn vị hành chính nhưng không sao nhãng việc tháo gỡ vướng mắc tại 2.200 dự án

Sắp xếp đơn vị hành chính nhưng không sao nhãng việc tháo gỡ vướng mắc tại 2.200 dự án
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 9.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Đến ngày 8.5.2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh, thành phố mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.
Các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề lớn, khó, liên quan nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, thời gian gấp, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện đề án tại địa phương; trong đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp.
Sắp xếp đơn vị hành chính nhưng không quên tháo gỡ vướng mắc tại hơn 2.200 dự án
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng sau sắp xếp hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, đi đôi với việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành cũng tích cực xây dựng, ban hành các văn bản, quy định để triển khai đồng bộ, với tinh thần một luật sửa nhiều luật, một văn bản sửa nhiều văn bản; những vấn đề cấp bách thì phải làm ngay, vấn đề cần đánh giá tác động thì nghiên cứu sâu thêm, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Sau khi Quốc hội thông qua thì tổ chức thực hiện ngay, Thủ tướng giao 26 tổ công tác của các thành viên Chính phủ tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện và giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương; có hướng dẫn ứng trước kinh phí của các bộ, ngành, địa phương để chi trả càng sớm càng tốt, không để ách tắc; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
“Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát công tác tổ chức cán bộ, không để khoảng trống việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Các tỉnh, các xã thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, cung cấp thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng nhấn mạnh cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát…
Thủ tướng lưu ý, cùng với việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025; tháo gỡ vướng mắc tại hơn 2.200 dự án trên cả nước với tổng số vốn gần 6 triệu tỉ đồng và hơn 300.000ha đất đang ách tắc.
Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết đã được Bộ Chính trị ban hành gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-nhung-khong-sao-nhang-viec-thao-go-vuong-mac-tai-2-200-du-an-232415.html