Sắp xếp ĐVHC là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện việc sắp xếp ĐVHC giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu: Giảm sự cồng kềnh của hệ thống chính trị, giảm chi ngân sách “nuôi” đội ngũ cán bộ, công chức và tạo không gian phát triển rộng hơn, thuận lợi hơn cho các địa phương.
So sánh, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù
Theo kết quả rà soát, đối chiếu với Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết số 35) thì giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hưng Yên có 35 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, gồm 3 phường, 1 thị trấn và 31 xã. Khi rà soát, các địa phương đều chủ động tìm nhiều nguồn tài liệu kiểm chứng, so sánh với các tiêu chuẩn, quy định về lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh… Đồng thời, cân nhắc kỹ các yếu tố để bảo đảm khi đề xuất có hoặc không sáp nhập ĐVHC nào đều không phải là cộng dồn cơ học, nhưng cũng không làm mai một các giá trị truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của địa phương.
Sắp xếp đơn vị hành chính sẽ thúc đẩy thị trấn Vương phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Tiên Lữ
Tìm về xã Ông Đình (Khoái Châu) - ĐVHC có yếu tố đặc thù về lịch sử. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, thời Văn Lang - Âu Lạc, xã Ông Đình thuộc bộ Dương Tuyền. Năm 1831, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Hưng Yên, xã Ông Đình nằm trong tổng Yên Cảnh, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định bỏ cấp phủ, tổng; huyện Khoái Châu điều chỉnh địa giới hành chính (ĐGHC), hợp nhất từ 76 xã thành 22 xã, trong đó có xã Ông Đình. Xã Ông Đình có chùa Phúc Hưng là nơi có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ phục vụ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xã Ông Đình đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Tháng 6/1946, Chi bộ Đảng xã Ông Đình được thành lập, lãnh đạo Nhân dân củng cố chính quyền cách mạng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ trước năm 1945 đến nay xã Ông Đình không có sự thay đổi về ĐGHC.
Phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) là vùng lõi Phố Hiến - nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Nam xưa. Phố Hiến là thương cảng sầm uất thế kỷ XVI - XVII và từng được ví như “Tiểu Tràng An”. Nơi đây còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mang dấu ấn riêng, thể hiện giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam như: Đình Hiến, chùa Hiến, Đông đô Quảng Hội... Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2408/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhóm dự án phục dựng Phố Hiến cổ theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch.
Theo kết quả rà soát, trong số 10 ĐVHC có yếu tố đặc thù, thì thành phố Hưng Yên có 4 ĐVHC, các huyện Khoái Châu, Ân Thi và thị xã Mỹ Hào mỗi địa phương có 2 ĐVHC. 4/10 ĐVHC ổn định từ trước năm 1945; 5/10 ĐVHC nằm trong quy hoạch đô thị và 1 ĐVHC có yếu tố về văn hóa nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt.
Sắp xếp ĐVHC không chỉ là phép cộng cơ học
Trong số 43 ĐVHC thực hiện sắp xếp đợt này có 25 ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp; 18 ĐVHC còn lại không bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn này, nhưng vì mục tiêu phát triển lâu dài, các địa phương vẫn chọn cách sắp xếp khoa học thay vì cộng dồn cơ học. Điển hình như thị trấn Vương đang có diện tích “siêu nhỏ”, với 2,43km2, chỉ bằng 17,33% tiêu chuẩn quy định. Vì sự phát triển lâu dài của huyện Tiên Lữ và để thị trấn Vương thực sự xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện Tiên Lữ, địa phương đã lựa chọn phương án thành lập thị trấn Vương mới trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 xã Ngô Quyền, Dị Chế và thị trấn Vương. Sau khi sáp nhập, thị trấn Vương có diện tích tự nhiên 13,93km2, đạt 99,49% tiêu chuẩn về diện tích; quy mô dân số đạt 263,56% tiêu chuẩn và bảo đảm tiêu chuẩn đô thị loại V.
Khi khảo sát ĐGHC của thành phố Hưng Yên, phát hiện 0,05km2 diện tích tự nhiên (không có người ở) của thôn Phương Thông (xã Phương Chiểu) nằm tách biệt bởi 1 ĐVHC khác. Do đó, điều chỉnh phần diện tích này về xã Liên Phương quản lý; điều chỉnh nhập toàn bộ dân số và phần diện tích 2,45km2 còn lại của xã Phương Chiểu vào xã Hồng Nam để thành lập xã mới có tên gọi Phương Nam. Sau khi sáp nhập, xã Phương Nam có diện tích tự nhiên 6,16km2, dân số 11.227 người. Cách sắp xếp này sẽ giải quyết bất hợp lý về ĐGHC, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và thuận lợi cho Nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính và tạo động lực cho địa phương này phát triển kinh tế.
Đồng chí Vũ Văn Kiên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở Nội vụ cùng với các ngành chức năng, các địa phương nghiên cứu rất kỹ bản đồ ĐGHC; cân nhắc từng yếu tố văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, quy hoạch, so sánh từng số liệu, dữ liệu và xây dựng nhiều phương án khác nhau. Đồng thời, tích cực tham mưu với tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Đề án. Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24/10/2024 về sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025 là phương án tối ưu nhất, vừa bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 489/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng Đề án chặt chẽ, Nhân dân đồng thuận cao
Ngay sau khi có các văn bản của Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 194-KH/TU thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Kế hoạch số 194). Tại nhiều cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa quán triệt: Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên cần phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được chú trọng để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu, đồng thuận cao nhất.
Thực hiện Kế hoạch số 194 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025 (Ban chỉ đạo tỉnh) do đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo tỉnh. Trong giai đoạn xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC và chuẩn bị hồ sơ trình các cơ quan trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh ban hành trên 140 văn bản các loại; Ban chỉ đạo tỉnh duy trì họp 2 tuần/lần để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai của các sở ngành, địa phương; cùng bàn bạc, tìm giải pháp tham mưu với tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong quá trình triển khai, các địa phương luôn bám sát vai trò lãnh đạo của Đảng, gắn trách nhiệm người đứng đầu, nên quá trình xây dựng đề án bảo đảm yêu cầu đề ra.
Huyện Yên Mỹ là địa phương có số ĐVHC thực hiện sắp xếp ĐVHC nhiều thứ 2 của tỉnh, nhưng lại là nơi tập trung nhiều điểm khó. Huyện vừa phải thực hiện sắp xếp ĐVHC là chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, vừa phải sắp xếp 3 ĐVHC để thành lập 1 ĐVHC mới. Để “gỡ khó”, huyện thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC gồm 25 thành viên do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban chỉ đạo huyện. Đối với 9 ĐVHC thực hiện sắp xếp, Ban Thường vụ Huyện ủy chia thành 4 cụm dự kiến sắp xếp và thành lập ban chỉ đạo theo từng cụm xã do 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng ban chỉ đạo cụm. Huyện và các địa phương tập trung cao cho công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, định hướng để tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Huyện cũng rà soát đội ngũ CB,CC toàn huyện, xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế CB,CC cấp xã gắn với sắp xếp ĐVHC, lựa chọn phương án khả thi nhất để bố trí CB,CC sau sắp xếp, phương án sử dụng cơ sở vật chất ở các xã, thị trấn sau sắp xếp bảo đảm không lãng phí nguồn lực con người, cơ sở vật chất, thuận tiện cho cán bộ và Nhân dân trong mọi hoạt động sau khi xã, thị trấn mới được thành lập.
Xác định điểm “mấu chốt” để xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC được thông qua là cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thì cán bộ, đảng viên phải thông suốt, người dân phải hiểu và đồng thuận, ngay khi bắt tay vào thực hiện, các địa phương đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Kết quả là tỉ lệ người dân đồng thuận với phương án sắp xếp ĐVHC rất cao, đạt trên 97,87%.
Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định khi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đoàn kết, quyết tâm cao, Nhân dân đồng thuận thì việc khó đến đâu cũng có thể thực hiện thành công.
Lệ Thu