Phát biểu thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 31.10, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết hiện Việt Nam dùng tới 70% ngân sách để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động và khẳng định: "Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển". Trước đó, sáng 26.10, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Chưa có nước nào nhiều xã, huyện như chúng ta, chi nuôi bộ máy rất lớn”.
Tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn là nội dung năm nào cũng được hô hào “quyết liệt”. Không biết có phải “quyết” nhiều nên “liệt” luôn hay chăng mà trong suốt những năm qua biến chuyển cũng chưa thật sự lớn. Người dân đóng thuế để trả lương cho đội ngũ nhân viên công quyền nhưng thật sự người dân sẽ rất hoang mang và nghi ngờ liệu rằng bao nhiêu phần trăm những người trong số đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay thuộc dạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Người dân đóng thuế để trả lương cho bộ máy và họ có quyền được biết những người mà họ thuê làm việc có xứng đáng với đồng tiền dân bỏ ra không.
Không khó để nhận ra tình trạng ở nhiều nơi, cùng một chức năng nhiệm vụ nhưng lại có nhiều đơn vị, cơ quan cùng phụ trách. Hậu quả sẽ là thành tích thì cùng nhau chia hưởng, nhưng sai phạm thì chỉ có đổ cho... trời. Vì chồng chéo về chức năng nhiệm vụ nên không thể quy tội cho ai dẫn tới tình cảnh “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Tư duy phải là “người nhà nước” dù đã có những thay đổi gần đây nhưng về cơ bản vẫn rất nặng nề. Vì vậy, nhiều người vẫn cố để có chân biên chế trong cơ quan nhà nước.
Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa có lẽ chính là kỷ luật không nghiêm minh. Một đơn vị nào đó quy định chỉ có 2 cấp phó song nếu bổ nhiệm vượt quá quy định thì cuối cùng cũng cùng lắm là… rút kinh nghiệm sâu sắc. Có những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm sai, lúc đầu nghe có vẻ sẽ xử lý nghiêm minh, cuối cùng vẫn là “huề cả làng” và đâu lại vào đó, ném đá ao bèo.
Để sắp xếp lại bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây là việc rất khó khăn nhưng không thể chần chừ. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; sử dụng đúng người, đúng việc là tiền đề “tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Muốn vậy, việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ là biện pháp quan trọng để sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, có lẽ đã đến lúc cần giao quyền tự chủ toàn bộ về kinh phí cho các đơn vị này. Nếu đơn vị nào không thể tự chủ được về kinh phí thì nên sáp nhập, hoặc giải thể để giao cho tư nhân làm. Rà soát, bãi bỏ các quy định rườm rà, cản trở sự phát triển, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng thu hút đội ngũ lao động vào lĩnh vực kinh tế tư nhân nhằm làm thay đổi nhận thức chỉ có cơ quan nhà nước mới là con đường duy nhất của nhiều người hiện nay.
Đã đến lúc cần tổng rà soát lại toàn bộ bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức trên toàn quốc; đẩy nhanh hoàn thiện vị trí việc làm, ban hành cơ chế chuẩn để đánh giá tổng thể, khách quan về năng lực, chất lượng công chức, viên chức. Trung ương cần có quy định cụ thể và thống nhất toàn quốc quy định về số lượng, chức danh, vị trí, số lượng lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị. Khi đã có khung thống nhất toàn quốc, những cơ quan, đơn vị nào làm sai phải kiên quyết xử lý.
Chỉ có sắp xếp bộ máy khoa học mới có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy khoa học mới có thể giảm dần số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, khi ấy mới có dư nguồn lực để đầu tư cho phát triển, để tăng lương. Tăng lương sẽ thu hút được người giỏi cạnh tranh vào khu vực công…
Vũ Trung Kiên